Hà Nam: Ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan từ ổ dịch đầu tiên
Phát hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N6 đầu tiên ở huyện Lý Nhân
Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam) cho biết, tỉnh Hà Nam đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N6 trên đàn vịt của hộ gia đình ở xã Trần Hưng Đạo (huyện Lý Nhân).
Được biết, đàn vịt của gia đình này có số lượng 770 con nhưng chưa tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm. Từ cuối tháng 2/2020, đàn vịt có hiện tượng ốm, chết bất thường với số lượng lớn.
Nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi – Thú y và các cơ quan chuyên môn của huyện Lý Nhân ngay sau đó đã về kiểm tra và nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng xử lý. Sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm gia cầm dương tính với virus H5N6, UBND huyện Lý Nhân có quyết định công bố dịch tại xã Trần Hưng Đạo. Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tổ chức chôn hủy số vịt ốm, chết theo đúng quy định.
Xã Trần Hưng Đạo cũng đã tổ chức khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng trại, môi trường trong và xung quanh ổ dịch bằng hóa chất và vôi bột.
Để ngăn chặn dịch lây lan sang các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn, UBND huyện Lý Nhân đã cấp 50 lít hóa chất cho xã Trần Hưng Đạo tổ chức phun khử trùng chuồng trại, môi trường hộ chăn nuôi có gia cầm ốm, chết và các hộ xung quanh.
Ngoài ra lập 1 chốt kiểm dịch ngăn chăn việc vận chuyển gia cầm ra vào nơi có dịch… Hiện nay, địa phương đang duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo đúng quy định. Qua kiểm tra, giám sát chưa thấy xuất hiện thêm tình trạng gia cầm bị ốm chết trên địa bàn xã.
Lực lượng thú y tổ chức phun khử trùng chuồng trại, môi trường hộ chăn nuôi có có đàn vịt mắc cúm gia cầm (ảnh:Chi cục Chăn nuôi Thú y) |
Ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Nam cho biết, kể từ khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ trong tỉnh đã chuyển sang chăn nuôi gia cầm. Chính vì vậy, số hộ đầu tư chăn nuôi gia cầm tăng cao trong thời gian qua. Ước tính toàn tỉnh hiện có tổng đàn gia cầm khoảng 6,8 triệu con.
Do phần lớn số hộ chuyển đổi sang nuôi gia cầm đều ở trong khu dân cư, quy mô chăn nuôi lại nhỏ, không bảo đảm các điều kiện an toàn dịch bệnh. Vì vậy, nếu gặp thời tiết bất lợi, bệnh cúm gia cầm có khả năng lây lan.
Ông Hà cho hay, qua việc lấy mẫu giám sát hằng năm ở nhiều địa phương trong tỉnh cho thấy, tỷ lệ lưu hành virus cúm gia cầm ở mức cao, chiếm 20% tổng số mẫu.
Theo đó, những nơi nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh cúm gia cầm là nơi có ổ dịch bệnh cũ, vùng giáp ranh với địa phương đã có dịch, nơi trung chuyển, giết mổ gia cầm và ở đàn gia cầm tiêm vaccine phòng bệnh cúm đạt tỷ lệ thấp.
Để tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm, UBND tỉnh Hà Nam đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y và Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y và UBND cấp huyện tổ chức ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật và các sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm và sản phẩm gia cầm vào địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành nông nghiệp chủ động hướng dẫn các hộ nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cúm gia cầm. Sở NN&PTNT có kế hoạch lấy mẫu giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm; xây dựng kế hoạch thực hiện tháng khử trùng tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế, ngăn chặn sự phát sinh, lây lan của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; nâng cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân có đầu tư chăn nuôi về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.
Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo các hộ, cơ sở chăn nuôi gia cầm thực hiện vệ sinh hằng ngày khu vực chuồng trại, thu gom phân, rác, phun hóa chất toàn bộ khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần một lần. Các cơ sở giết mổ gia cầm cũng phải thực hiện vệ sinh sạch sẽ khu vực giết mổ, phương tiện vận chuyển gia cầm, gia súc.