Hà Giang: Sau vụ cô giáo tát nữ sinh, bao giờ bộ quy tắc ứng xử học đường mới phát huy tác dụng?
Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Trãi, huyện Bắc Quang (Hà Giang) xác nhận một giáo viên của trường đã tát vào má một nữ sinh lớp 4 và đánh vào tay 5 học sinh khác cùng lớp.
Theo thông tin ban đầu, vào sáng 7/9, cô Lê Thị Thu H. - Chủ nhiệm lớp 4A3 (trường Tiểu học Nguyễn Trãi, huyện Bắc Quang, Hà Giang) trong quá trình giảng dạy trên lớp có học sinh mất trật tự, nhắc nhở nhiều lần không được nên cô H. bức xúc quát mắng và đã có hành vi tát vào má 1 nữ sinh tên Tr., đồng thời đánh vào tay 5 em học sinh khác cùng lớp.
Sự việc xảy ra khiến phụ huynh em Tr. đăng thông tin lên trên trang Facebook cá nhân, sau đó được lan truyền trên mạng xã hội.
Về sự việc này, bà Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, huyện Bắc Quang (Hà Giang) cũng đã xác nhận sự việc và cho biết, ngay sau vụ việc xảy ra, Phòng Giáo dục huyện Bắc Quang cũng đã có chỉ đạo và yêu cầu báo cáo.
“Hiện nhà trường đang tiến hành tổ chức xử lý kỷ luật theo quy định”, bà Hà cho hay.
Ảnh minh họa |
Không chỉ Hà Giang mà thời gian vừa qua tại các địa phương khác cũng từng xảy ra những vụ bạo lực học đường tương tự mà căn nguyên xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ nhặt ở trường lớp.
Bạo lực học đường nói chung và việc giáo viên đánh học sinh là một vấn đề nhức nhối trong ngành giáo dục. Ai có thể chấp nhận lý do cô giáo chỉ vì những phút giây thiếu kiềm chế mà giáo viên tát, đánh học sinh?
Chịu đau đã đành, những cô cậu học trò còn chịu tiếp cú sốc tâm lý khi video, hình ảnh bị giáo viên đánh lan truyền trên mạng xã hội hàng ngày, hàng giờ… Vậy làm thế nào để kiểm soát các hành vi bạo lực của giáo viên? Những biện pháp cấp bách để giám sát và ngăn chặn kịp thời những tổn thương, thậm chí nguy hiểm tính mạng xảy ra cho các nạn nhân của bạo lực trong môi trường học đường?
Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Phương Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội), để giải quyết vấn đề bạo lực học đường nhà trường ngoài việc thông tin cho các em học sinh những kiến thức chung về thực trạng bạo lực học đường hiện nay và cách nhận biết về bạo lực học đường thì cần nhanh chóng xây dựng bộ quy tắc ứng xử về văn hóa học đường và đi vào thực hiện nghiêm túc.
Bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường chính là những quy chuẩn để cán bộ giáo viên và các em học sinh thực hiện quy định chung của nhà trường qua đó góp phần phòng chống bạo lực học đường, nâng cao văn hóa ứng xử trong trường học hiện nay.
Đặc biệt, hơn ai hết giáo viên phải là những người gương mẫu nhất trong việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử học đường và nói không với bạo lực.
“Không thể ngụy biện vì tôi thiếu kiềm chế khi học sinh mất trật tự mà đánh học sinh được. Khi tâm lý không ổn định, cảm xúc chưa cân bằng, chỉ cần bị tác động, kích thích rất nhỏ là sẽ có những hành động nóng vội, không chuẩn mực, có thể gây tổn thương về mặt thể xác, tinh thần đối với những người xung quanh. Khi tâm lý không ổn định thì tốt nhất giáo viên đừng ở trên bục giảng.
Nếu học sinh vi phạm quy định trường học đến mức không thể dùng biện pháp khác và thường xuyên tiếp diễn, giáo viên có thể báo cáo nhà trường,mời phụ huynh đến làm việc, thống nhất các hình thức kỷ luật nếu không thay đổi... Việc này phải được thông báo cho gia đình học sinh biết.
Đặc biệt, việc đánh học sinh là phản giáo dục. Bởi lẽ, học sinh bậc THCS ở lứa tuổi nhạy cảm, đã biết mình cần được tôn trọng, có thể diện trước các bạn trong lớp.
Trong bất kỳ trường hợp nào thì giáo viên phải là người hành xử chuẩn lực, vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật, nội quy trường học, cũng như đạo đức nghề nghiệp. Việc đánh học sinh là vi phạm nghiêm trọng quy tắc ứng xử giáo viên với học sinh”, chuyên gia giáo dục Phương Anh cho hay.
Đồng thời các cơ sở giáo dục phải có các giải pháp quyết liệt để không tái diễn các trường hợp tương tự. Ban Giám hiệu, giáo viên các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm các quy định để xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tạo niềm tin cho phụ huynh gửi con đến trường.
Hoàng Thanh