GS.TS Phạm Tất Dong: Chương trình GDPT tổng thể chưa liên kết với đại học
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể hiện còn đang gây rất nhiều tranh cãi. Nhiều chuyên gia cho rằng, chương trình GPPT tổng thể vẫn ôm đồm quá nhiều kiến thức trong khi điều kiện về cơ sở vật chất cũng như trình độ giáo viên của Việt Nam chưa đủ sức thực hiện.
Để góp ý cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, PV báo Infoner đã có cuộc trò chuyện GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam.
GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam. |
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo về chương trình GDPT tổng thể. Xin GS có thể cho biết quan điểm của mình về chương trình này?
Phải công bằng mà nói, đội ngũ chuyên gia thực hiện dự thảo GDPT tổng thể mới với mục đích triển khai trong năm học tới làm khá công phu.
Nếu chúng ta đọc kỹ có thể thấy một số khiếm khuyết của chương trình cũ thì ở chương trình mới đã phần nào khắc phục được. Ví như, vấn đề giúp cho học sinh định hướng nghề nghiệp ngay từ bậc THCS cũng đã được chú ý hay vấn đề định hướng chọn trường cho học sinh THPT cũng chú trọng hơn.
Khi đọc kỹ dự thảo tôi thấy dự thảo không nói đến vấn đề tích hợp môn học như trước đây (vấn đề này trước đó đã từng bị dư luận lên tiếng) thì có thể thấy ban dự thảo chương trình cũng rất biết tiếp thu ý kiến.
Cái mà tôi thấy khá hay đó là việc thống nhất chương trình nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK), điều này sẽ giúp giáo dục phù hợp với từng địa phương. Ngoài ra, dự thảo cũng đã đặt ra những vấn đề mới, ví như trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin thì việc học sẽ thế nào, tức là họ cũng đã gắn giáo dục với những vấn đề thời sự.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, chương trình GDPT tổng thể còn những hạn chế gì, thưa GS?
Đối với bậc THPT phải nhấn mạnh đến nhân cách con người, hệ thống dạy nghề gắn với hệ thống các trường ĐH và CĐ mới thể hiện sứ mạnh của nó đối với nguồn nhân lực.
Giáo dục của Việt Nam đang khiến những nhà quản lý quên rằng giáo dục trước hết là hướng đến con người và đào tạo từng con người. Bác Hồ cũng đã từng nói “muốn có chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, có thế thì mới có cộng đồng xã hội chủ nghĩa, nhân lực xã hội chủ nghĩa”.
Nói thế để thấy rằng giáo dục tiểu học không thể đưa vấn đề nhân lực vào giảng dạy. Chúng ta cần chú ý, mục tiêu cơ bản nhất của giáo dục phổ thông là giáo dục từng con người. Trong điều kiện kinh tế tri thức thì phải chú ý đến việc tự học, tự chủ trong học tập, rèn luyện cho học sinh ý chí học tập.
Về lý thuyết, đừng quá chú trọng đến những khái niệm siêu hình. Chương trình GDPT tổng thể của chúng ta tham vọng quá tôi e khó thực hiện. Theo tôi, ở bậc tiểu học chỉ cần học sinh thông thạo 4 phép tính, biết viết câu chữ rõ ràng, biết ngoan ngoan, lễ phép là được chứ đừng nên đòi hỏi quá về cái gọi là thế giới công nghệ hay thế giới tin học hay lối sống…
Đối với THPT phải chú trọng vấn đề học thực sự, học lý thuyết có thể làm được thực hành và định hướng nghề nghiệp có hiệu quả, có ý thức sáng tạo để sau này khi làm bất cứ nghề gì chúng ta cũng có “thương hiệu” của mình.
Bởi lẽ, để đất nước phát triển thì cá nhân phải có công việc và công việc thể hiện cá tính, năng lực của mình.
Hơn nữa, hiện nay chương trình phổ thông của chúng ta đang tách rời chương trình ĐH. Tôi không thấy trong dự thảo đề cập đến việc chương trình GDPT tổng thể sẽ phục vụ chương trình ĐH thế nào.
Riêng tôi quan niệm, chương trình ĐH phải là định hướng cho chương trình phổ thông, áp đặt cho hướng đi của phổ thông chứ không phải phổ thông định hướng cho ĐH như bây giờ. Chương trình phổ thông phải đáp ứng yêu cầu của ĐH, chương trình phổ thông tổng thể nên chú ý đến điều này.
Chính vì chương trình phổ thông chưa được định hướng bởi ĐH nên hiện nay chương trình đào tạo ĐH của chúng ta bị lạc hậu.
Nhiều chuyên gia cho rằng nên cho học sinh học chương trình tự chọn từ lớp 6 thay vì lớp 11 mới học tự chọn. Xin GS cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Theo tôi, từ bậc THCS chúng ta có thể cho học sinh học tự chọn nhưng những môn chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ, Tin học chúng ta vẫn phải đảm bảo còn những môn tự chọn thì nên hết sức nhẹ nhàng và không quá ảnh hưởng đến những môn mình sẽ học ở bậc THPT ví như môn Âm nhạc, Mỹ thuật.
Xin cảm ơn GS.TS về cuộc trò chuyện!