GS Jerome Cohen: Yêu sách “đường lưỡi bò” của TQ là sự hoang tưởng
Sau một ngày làm việc khẩn trương, hội thảo đã kết thúc chiều 20/6 sau 2 phiên và 4 phần thảo luận đi sâu làm rõ sự thật lịch sử về các chứng cứ pháp lý, lịch sử liên quan vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các khía cạnh pháp lý liên quan đến tranh chấp ở biển Đông..
Cuộc hội thảo quốc tế "Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử" tổ chức tại Đà Nẵng ngày 20/6 (Ảnh: HC) |
Các đại biểu đã được nghe hàng chục tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trình bày các bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên cơ sở khoa học và luật pháp quốc tế; các diễn giả đã đưa ra những đánh giá, thảo luận khách quan khẳng định sự thật hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Các đại biểu nhất trí rằng, việc căn cứ vào những chứng cứ pháp lý, lịch sử phù hợp luật pháp quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ để giải quyết tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông. Những hành động sử dụng sức mạnh cố ý vi phạm luật pháp quốc tế, phá vỡ nguyên trạng, gây bất ổn khu vực, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước khác nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm biển Đông của bất kỳ bên nào đều không thể chấp nhận được.
“Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, hành động của Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và chiếm đóng bất hợp pháp một số bãi ở quần đảo Trường Sa năm 1988 là vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Đồng thời nhấn mạnh hành động xâm chiếm bằng vũ lực không thể tạo ra danh nghĩa về chủ quyền” – PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhấn mạnh.
Tại hội thảo lần này, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn phê phán yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” ở biển Đông mà Trung Quốc đưa ra quốc tế năm 2009. Theo đó, “đường lưỡi bò” là hết sức mơ hồ và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Rõ ràng đây chính là nguyên nhân gây ra tình hình bất ổn, căng thẳng ở biển Đông.
Các đại biểu trong và ngoài nước hết sức chú ý phát biểu củaTướng Daniel Schaeffer (chuyên gia Bộ Quốc phòng Pháp, chuyên nghiên cứu về tranh chấp biển Đông) - Ảnh: HC |
Tướng Daniel Schaeffer (chuyên gia Bộ Quốc phòng Pháp, chuyên nghiên cứu về tranh chấp biển Đông) nêu rõ: “Đường lưỡi bò” không có chút giá trị nào đối với nhân loại, bởi nó không đi kèm bất cứ giải thích chính thức nào. Hành động của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” trong thời gian qua đã vi phạm luật pháp quốc tế. Đây là điểm gây bất ổn đối với các cuộc đối thoại hòa bình, công bằng về vấn đề biển Đông”.
GS Jerome Cohen (Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ - Châu Á, ĐH Luật New York) nêu rõ, vấn đề đấu tranh với yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không thuộc trách nhiệm của riêng nước nào trong khu vực mà là của cả cộng đồng quốc tế. Cần phải đạt được sự đồng thuận quốc tế để yêu cầu Trung Quốc từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”.
Ông nói: “Trung Quốc đang thách thức các nước về yêu sách “đường lưỡi bò” trên biển Đông. Cá nhân tôi cho rằng tuyên bố “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là hoang tưởng và mơ hồ. Tôi cho rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cho yêu sách “đường lưỡi bò” của mình. Dư luận quốc tế đang chờ đợi để Trung Quốc đưa ra lập luận chứng minh cho yêu sách của họ. Nhưng Trung Quốc không làm được điều đó!”.
Từ đó, các đại biểu đã kêu gọi các bên tranh chấp ở biển Đông cần xác định các vùng biển của mình phù hợp với các quy định của UNCLOS, lấy đó làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp, bất đồng ở biển Đông. Nhiều ý kiến cho rằng, các nước đang tranh chấp cần coi trọng hơn các công cụ pháp lý và cơ chế trọng tài quốc tế theo UNCLOS. Việt Nam có thể sử dụng công cụ pháp lý này thông qua trọng tài quốc tế để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình trước hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở biển Đông.
GS Jerome Cohen (phải, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ - Châu Á, ĐH Luật New York) trao đổi với các đại biểu bên lề cuộc hội thảo (Ảnh: HC) |
Cuộc hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Đồng thời đưa hàng trăm tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động trái phép trên vùng biển của Việt Nam, có hành động hung hăng vây hãm, cố tình đâm va, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư của Việt Nam đang thực thi pháp luật trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thậm chí cố tình đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt bình thường trong vùng biển Việt Nam.
“Cộng đồng quốc tế bao gồm các nước và các tổ chức quốc tế, khu vực đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ những hành động gây hấn bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các quý vị tham gia hội thảo này đã có tiếng nói phê phán hành vi sai trái của Trung Quốc.
Ngày mai sẽ có cuộc tọa đàm riêng biệt để thảo luận, đánh giá sâu thêm về hành vi hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 bất hợp pháp của Trung Quốc. Chúng tôi cũng sẽ bố trí để quý vị đại biểu tham quan tàu cá ĐNa 90152 và gặp gỡ các nhân chứng là các ngư dân của tàu này. Đồng thời mời quý vị tham dự triển lãm “Hoàng Sa – Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” tại Bảo tàng Đà Nẵng!” – PGS.TS Trần Văn Nam nói..
Ông nêu rõ, mục đích của các hoạt động trên là để các đại biểu tham dự hội thảo được tận mắt chứng kiến những tư liệu pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
“Với những gì được “tai nghe, mắt thấy” tại cuộc hội thảo lần này, kính mong quý vị qua các bài viết và trả lời phỏng vấn của mình sẽ giới thiệu với cộng đồng quốc tế về sự thật lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để thế giới có cái nhìn khách quan về thực trạng tranh chấp ở biển Đông!” – PGS.TS Trần Văn Nam bày tỏ.