GS Hồ Ngọc Đại: Nên giữ kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH dù bị kêu ca
LTS: Kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa kết thúc và đợt xét tuyển Đại học đang được tiến hành nhưng đã tạo ra khá nhiều những nỗi "bức xúc" của dư luận trên cả nước. Có nhiều ý kiến cho rằng, đây là một kỳ thi "thất bại hoàn toàn" khi xảy ra hiện tượng hỗn loạn trong việc rút-nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH.
Nhưng trên thực tế, số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của một nhóm nghiên cứu độc lập đã chỉ ra, chỉ chưa đến 10% số thí sinh thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển đầu tiên. Trong khi đó, kỳ thi 3 chung và chủ trương xét tuyển cũng đã "thắng lợi trên không ít khía cạnh".
Nhiều chuyên gia về giáo dục và bạn đọc Infonet cho rằng, không nên "phủ nhận sạch trơn" những gì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm được trong kỳ thi năm nay, mặc dù vẫn có những trục trặc xảy ra.
Để rộng đường dư luận, Báo điện tử Infonet sẽ đăng tải loạt bài phản ánh ý kiến của các chuyên gia, các giáo viên và bạn đọc có "góc nhìn khác" về kỳ thi và xét tuyển năm nay.
Ở bài viết trước, Infonet đã đăng tải ý kiến của Giáo sư Ngô Bảo Châu. Trong bài tiếp theo này, chúng tôi xin giới thiệu quan điểm của giáo sư - TSKH Hồ Ngọc Đại - Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục.
Chưa chuẩn bị kỹ
Trao đổi với Infonet, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, chủ trương của Bộ GD & ĐT gộp kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển đại học là đúng, đây được xem là một chủ trương tốt, khá sâu sắc hướng tới lợi ích của học sinh, đặt học sinh là trên hết. Tuy nhiên quá trình thực hiện gặp trục trặc về khâu kỹ thuật.
Điều này khiến cho những ngày cuối cùng xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1 bị “rối loạn” gây ra phản ứng của dư luận. GS Đại phân tích nguyên nhân là do Bộ GD & ĐT còn chủ quan. Đáng lẽ lần đầu tiên áp dụng cách thi mới, Bộ phải chuẩn bị kỹ các khâu (từ ngân hàng câu hỏi, cách thức coi thi, chấm thi, quy chế xét tuyển cho đến công nghệ thông tin…) đặc biệt là công tác truyền thông.
Chính công tác thông tin của Bộ chưa đi trước một bước - đã không chuẩn bị tâm lý cho người dân vì thế mới lúng túng trong cách giải quyết các vấn đề phát sinh. Điều này khiến bản thân Bộ chịu sự chỉ trích của dư luận đặc biệt phản ứng ngược của các bậc phụ huynh trong đợt xét tuyển NV 1 vừa qua.
“Thói quen người Việt là thói quen tiêu tiền mặt. Vì thế để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đóng thuế qua mạng internet, cơ quan thuế đã phải tuyên truyền trên tivi, trên báo đài hàng năm trời về lợi ích của chủ trương này sau đó mới triển khai vào thực tế.
Việc Bộ GD&ĐT lần đầu tiên gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp PTTH với ĐH, CĐ về bản chất không khác việc thu thuế qua mạng internet. Vậy tại sao cơ quan thuế làm được, trong khi Bộ GD&ĐT lại bị chỉ trích? Tôi nghĩ sau sự cố này, chắc chắn Bộ GD&ĐT cũng đã nhìn nhận ra vấn đề”- GS Đại nhấn mạnh.
GS Đại một lần nữa khẳng định, đây là đường lối, chủ trương nên được duy trì, dẫu có phiền hà cho phụ huynh, học sinh nhưng Bộ GD & ĐT nên giữ lại. Tất nhiên trong quá trình thay đổi một việc trọng đại không tránh được những sơ suất, chúng ta phải chấp nhận với một thiện chí cùng nhau khắc phục.
Sửa sai bằng cách nào?
“Điều cần làm lúc này là phải đưa công nghệ thông tin vào việc xét tuyển với một hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ từ Bộ tới các trường. Cũng cần có sự vào cuộc của các Sở GD & ĐT. Đặc biệt, người dân cần phải tin vào chủ trương đổi mới. Bộ khuyên điều gì cũng nên lắng nghe chứ không nên phản ứng lại ngay theo tâm lý “đám đông”. Để làm được điều này, tôi vẫn nhắc lại Bộ GD&ĐT cần phải chú trọng tới công tác truyền thông”- GS Đại nói.
Đồng tình với việc áp dụng công nghệ thông tin vào việc xét tuyển Đại học, cao đẳng tại Việt Nam, GS Dương Nguyên Vũ, Viện trưởng Viện John Von Neumann, ĐH Quốc gia TP HCM, vị GS nổi tiếng và được nhiều người biết đến trong giới toán học, cũng khẳng định cần triển khai sớm việc này.
Là nhiều năm gắn bó làm việc tại Pháp, GS Dương Nguyên Vũ cũng nắm rất rõ cách thức tuyển sinh của đất nước này. Ông cho rằng, ở Pháp cũng chỉ có một kỳ thi THPT. Sau đó, học sinh cũng dùng điểm số tốt nghiệp THPT để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học thông qua hệ thống thông tin điện tử. Các em sẽ không phải đi lại nhiều, và thay vì xét tuyển từ cao xuống thấp như ở VN thì học sinh Pháp lại đăng ký ngược lại từ thấp lên cao.
Đối với các bậc phụ huynh, GS Đại cũng phân tích thêm, qua theo dõi lần xét tuyển NV 1 vừa rồi ông thấy hầu hết các bậc phụ phàn nàn, kêu ca bởi họ đi cùng các con và thay con quyết định việc “rút, nộp” hồ sơ. “Điều này thực sự không tốt, bởi hầu hết các em đã 18 tuổi, hãy để các con được chủ động tự quyết định cuộc sống của mình. Chỉ khi các em biết mình thích gì, mình muốn gì thì chúng mới thực sự đam mê”- GS Đại nhấn mạnh.