GS Hồ Ngọc Đại: Để lễ khai giảng không hành xác trẻ, chỉ nên kéo dài 15 phút
GS Hồ Ngọc Đại: "Lễ khai giảng chỉ nên gói gọn trong 15 phút" |
Trang trọng đáng nhớ
Đó là quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại về cách thức tổ chức một lễ khai giảng. Ông cho rằng, bất kỳ một trường học nào thì chỉ có 2 lễ quan trọng nhất đó là lễ đón (khai giảng) và lễ tiễn học trò.
Với tâm niệm trẻ em là nhân vật trung tâm nên theo GS Đại thì lễ khai giảng là ngày lễ của học sinh, sau là của cha mẹ học sinh, của những người quan tâm đến giáo dục. Do đó đây cũng là ngày lễ của nhà trường.
“Bất cứ việc gì làm trong nhà trường cũng vì lợi ích của học sinh. Lợi ích ấy vì hạnh phúc của trẻ con, tạo ra niềm vui cho con trẻ chứ đừng làm khổ chúng. Vì thế, hãy để ngày khai giảng đối với trẻ là một ngày đáng nhớ chứ không phải buồi hành xác khi bắt các con tập dượt nhiều lần chỉ để đón chào đại biểu quan chức…mà chúng chả biết đó là ai hay ngồi dưới trời nắng chang chang mà chưa khai mạc được buổi lễ vì… lãnh đạo chưa đến”- GS Đại nói.
Ngày xưa sai lầm làm khổ trẻ con mới là dạy kiểu như cắm dùi vào ngực cho khỏi ngủ gật, ngồi lên xơ mít cho thật đau để nhanh học thuộc bài. Nhưng bây giờ, giáo dục hiện đại là phải đem lại hạnh phúc cho con trẻ. Đặc biệt đối với trẻ bậc tiểu học là nỗi quan tâm lớn của gia đình, của toàn dân vì đây là tương lai của đất nước.
GS Đại phân tích, lễ khai giảng năm học mới là ngày “toàn dân đưa trẻ đến đến trường”. Đây cũng là ngày đưa trẻ (đặc biệt là trẻ vào lớp 1) sang một môi trường hoàn toàn khác với gia đình nên việc tổ chức cần phải trang trọng và chính thống nhằm gây ấn tượng lớn đối với trẻ, tạo cho trẻ trách nhiệm với việc học - ở nhà có thể thế nào cũng được nhưng đến trường phải khác.
Lãnh đạo chỉ nên có mặt, đừng phát biểu
GS Đại cũng nhấn mạnh, cần phân biệt lễ khai giảng và ngày hội khai giảng. Nếu các trường tổ chức hội khai giảng thì có thể diễn ra trong cả ngày với nhiều hoạt động (các trò chơi, các tiết mục văn nghệ…) nhưng lễ khai giảng cần phải trang trọng chỉ gói gọn trong khoảng 15 phút là hợp lý vì càng ngắn gọn trẻ càng nhớ lâu. Tất nhiên để có 15 phút trang trọng này, trước đó nhà trường cũng phải có thời gian để chuẩn bị chu tất.
Vị giáo sư già cả đời gắn với sự nghiệp giáo dục tiểu học kể lại những buổi khai giảng khi ông còn là hiệu trưởng trường Thực nghiệm Hà Nội. Khi ấy ông thường đề nghị một vị đại diện lãnh đạo Đảng, nhà nước (Bộ trưởng, Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng) lên đón đại diện một học sinh vào lớp 1. Tất cả khách khứa, thầy cô tham dự đều đứng hai bên cổng trường đón các em. “Bây giờ học trò còn có ghế để ngồi, 40 năm trước các em không có. Vì thế tôi yêu cầu khi học trò đứng thì không có lý do gì các đại biểu thậm chí Chủ tịch nước hay Thủ tướng được phép ngồi”- GS Đại nói.
Sở dĩ đưa ra nguyên tắc này, theo GS Đại là vì người lớn không nên coi chúng là trẻ mà đấy chính là đất nước. Nếu chúng ta coi trẻ là đất nước chúng ta cư xử khác, nếu coi là trẻ con cư xử khác. Nếu trẻ ngay từ nhỏ được trân trọng từ giáo dục thì ý thức trẻ sẽ khác, dân tộc sẽ khác. Vì thế, theo GS Đại thì lễ khai giảng có thể chỉ cần làm riêng với lớp 1 bằng “lễ đón học sinh vào lớp 1”.
GS Đại cũng cho rằng, bên cạnh việc đại diện Đảng, Nhà nước lên đón học sinh thì trong lễ khai giảng đó chỉ cần làm một số việc: chào cờ, hát quốc ca, đại diện nhà trường có lời giới thiệu các lãnh đạo đến tham dự buổi lễ khai giảng, lời chào đón các em học sinh, lời cảm ơn đến bố mẹ học sinh đã tin tưởng gửi gắm các em cho nhà trường…
“Lễ khai giảng hiện nay thường vì lợi ích người lớn với những bài phát biểu dài dòng của lãnh đạo, quan chức. Tuy nhiên điều này là không cần thiết, theo đó lãnh đạo Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương có thể đến dự, đứng đón các con… và ban giám hiệu nhà trường giới thiệu để học sinh biết đó là ai. Vậy thôi còn không cần các vị phát biểu gì hết bởi bản thân sự có mặt là sự trân trọng rồi” – một lần nữa GS Đại khẳng định.
GS. TSKH Hồ Ngọc Đại là một nhà khoa học giáo dục. Năm 1968 ông theo học ngành Tâm lý học tại Liên Xô. Năm 1976 hoàn thành luận văn tiến sĩ về Những vấn đề tâm lý trong giảng dạy Toán học hiện đại cho học sinh cấp 1.
Năm 1978, ông sáng lập ra Trung tâm Công nghệ Giáo dục (CGD) để tiến hành thực nghiệm công nghệ giáo dục, công nghệ phát triển con người (cả về lý thuyết lẫn thực tiễn).
Trường Thực nghiệm Hà Nội cũng là nơi ông sáng lập, gửi gắm cả cuộc đời và học vấn của mình vào đó với triết lý “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”; trẻ em là nhân vật trung tâm, thầy giáo là nhân vật quyết định.
Ông là tác giả của rất nhiều đầu sách về lý luận công nghệ giáo dục, sách giáo khoa công nghệ giáo dục. Hiện ông là giám đốc Trung tâm Công nghệ Giáo dục, NXB Giáo dục VN.