Gỏi bắp chuối ngoại làm
Trong vườn có đủ loại, nào là bắp chuối cau, chuối lá, chuối sứ, chuối mốc... nhưng ngoại chỉ thích dùng bắp chuối hột để làm gỏi.
Ở các chợ trung tâm, hiếm hoi lắm trên những sạp rau mới xuất hiện vài bắp chuối, thu hút bao ánh nhìn của người qua lại. Nhìn bắp chuối thân thuộc, tôi nhớ ngay đến bà ngoại, nhớ món gỏi bắp chuối ngoại làm. Không chỉ ngon, giòn, nó mang cả vị của làng quê với miền ký ức tuổi thơ bên ngoại.
Sáng sớm, ngoại tôi lúi húi trong bụi chuối sau nhà, dùng cây liềm sắc lẹm để khèo mấy bắp chuối hột vừa trổ được một hai nải. Trong vườn có đủ loại, nào là bắp chuối cau, chuối lá, chuối sứ, chuối mốc... nhưng ngoại chỉ thích dùng bắp chuối hột để làm gỏi. Theo ngoại, bắp chuối hột có màu trắng, giòn và không bị chát. Và theo đông y, chuối hột cũng là một bài thuốc hay trị bệnh.
Nhiều công dụng như thế nên khi hàng xóm qua chơi hay người thân ở xa về, ngoại hay dành tặng mấy bắp chuối hột xem như là món quà quê ấm áp tấm chân tình. Lâu lâu, ngoại cất riêng mấy bắp chuối cho dì hay mợ ăn để “có sữa cho cháu nhỏ”.
Lũ trẻ con chúng tôi không mấy quan tâm đến những công dụng thần kỳ của bắp chuối hột, mà chỉ muốn nếm món gỏi bắp chuối, nhưng phải do chính tay ngoại làm mới chịu.
Ban đầu, ngoại gỡ gần hết các bẹ già bên ngoài, chỉ lấy mỗi phần nõn trắng bên trong để xắt mỏng. Xắt đến đâu, ngoại cho ngay bắp chuối vào thau nước đã pha nửa muỗng muối và nước cốt chanh tươi (để bắp chuối không bị thâm đen và giữ được độ giòn). Ngoại ngâm gần một tiếng rồi vớt ra xả lại nhiều lần với nước cho sạch và để ráo.
Trong khi đó, ngoại tranh thủ bắc nồi nước luộc thịt ba chỉ. Thịt chín vừa tới, ngoại vớt ra để nguội rồi xắt vừa ăn. Bên bếp còn lại, ngoại bắc cái chảo, đổ đậu phộng lên rang, đảo qua lại nhanh tay. Khi vỏ đậu phộng đổi màu thì ngoại nhắc xuống để sàng vỏ rồi giã sơ cho hạt đậu bể ra chứ không nát.
Mọi nguyên liệu đã chuẩn bị đủ, ngoại bắt đầu trộn gỏi trong một cái thau to. Sợi bắp chuối đổ vào trước, rồi lần lượt tới rau thơm (những loại có sẵn trong vườn), ngoại vắt 2-3 miếng chanh để lấy vị chua tự nhiên. Sau đó mới tới thịt ba chỉ vào và cuối cùng ngoại rắc đậu phộng lên trên, khi đã bày ra dĩa.
Mâm cơm ngày ấy thật giản đơn với canh mồng tơi, cá cơm kho tộ, chén mắm tỏi ớt và gỏi bắp chuối hột. Nhưng với lũ trẻ con chúng tôi, như thế là quá ngon rồi. Gắp một miếng gỏi có miếng thịt ba chỉ bóng mỡ, cọng rau thơm ghém gọn và vài hột đậu phộng nằm xen kẽ trên một miếng bánh tráng nướng thì khó có ngôn từ nào mà diễn đạt hết vị ngon. Ăn một miếng chưa đã thèm, lại phải ăn thêm vài miếng.
Các mùi vị chua, cay, đắng nhẹ, giòn, ngọt, béo, thơm… hòa quyện một cách vương vít với nhau, không thừa mà cũng không thiếu, cứ tròn trịa trong từng miếng gắp lia lịa của lũ trẻ.
Theo thời gian, tuổi thơ của chúng tôi đã ở lại đằng sau. Bụi chuối sau nhà vẫn còn đó, nhưng nay ngoại đã như “chuối chín cây”. Dẫu gió có lay thật mạnh nhưng ngoại vẫn cố trụ và bảo ban cho những đứa cháu như thuở nào. Trong từng bài học ấy, đôi lúc chúng tôi lại thòm thèm món ăn tuổi thơ, như món gỏi bắp chuối hột của ngoại.
Hướng dẫn làm chả cá ngần thơm ngon nhất với lá lốt, thì là
Hai công thức làm chả cá ngần rán trứng hoặc kết hợp với lá lốt sẽ giúp tạo ra món ngon khó cưỡng với tất cả các thành viên trong gia đình.
Theo www.phunuonline.com.vn