Giúp ngư dân Quảng Nam vươn khơi bám biển
Ảnh minh họa |
Theo baotintuc.vn, ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết: Gần đây, việc đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn có khả năng đánh bắt xa bờ đang được nhiều ngư dân Quảng Nam quan tâm, hưởng ứng, nhất là sau khi có Quỹ hỗ trợ ngư dân của tỉnh đi vào hoạt động.
Riêng tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, số lượng tàu cá giảm nhưng tổng công suất tăng do ngư dân bán, chuyển đổi tàu nhỏ, góp vốn đóng tàu công suất lớn có khả năng đánh bắt xa bờ, nhiều tàu có công suất trên 600 CV được đóng mới, đưa vào sử dụng. Một số tàu cá bước đầu được đầu tư các trang thiết bị hiện đại như: máy dò ngang, thiết bị thông tin liên lạc… nên hiệu quả khai thác được nâng lên, ngư dân yên tâm hơn khi sản xuất trên biển.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam có công suất nhỏ, số tàu có khả năng hoạt động xa bờ không lớn. Trong khi đó, nguồn lợi thủy sản khu vực ven bờ có chiều hướng suy giảm, sản lượng đánh bắt thiếu ổn định. Hoạt động đánh bắt hải sản trên biển có cường độ lao động cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ xảy ra tai nạn lớn, nhất là trong điều kiện hiện nay thời tiết diễn biến bất thường. Bên cạnh đó, tình trạng bắt bớ, xua đuổi của các tàu nước ngoài, gây thiệt hại, lo lắng cho ngư dân.
Anh Nguyễn Rân, ngư dân tại xã Tam Tiến, huyện Núi Thành cho biết: Chi phí cho các chuyến biển ngày càng tăng, nhất là nhiên liệu; trong khi đó, giá sản phẩm thủy sản không tăng, thiếu tính ổn định, nhiều loại hải sản còn giảm so với trước đây và thường bị tư thương ép giá. Lợi nhuận từ các chuyến biển ngày càng giảm đã làm một bộ phận ngư dân không còn mặn mà bám biển.
Quy trình khai thác, bảo quản sản phẩm của ngư dân phần lớn còn thủ công, lạc hậu, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong lĩnh vực này còn hạn chế nên chất lượng sản phẩm chưa bảo đảm, giá trị thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Lực lượng lao động ngày càng già hóa và có xu hướng giảm; với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, theo kiểu gia đình, ven bờ là chủ yếu nên việc phát triển đánh bắt xa bờ gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ nghề cá của tỉnh còn nhiều bất cập. Cả tỉnh chỉ có 3 khu neo đậu tàu thuyền tránh bão và 3 cảng cá. Tuy nhiên, hiện nay các khu neo đậu tàu thuyền chưa được đầu tư đồng bộ, hợp lý, ngư dân chưa yên tâm để đưa thuyền vào neo đậu. Trên địa bàn xã Tam Quang (huyện Núi Thành), nơi có nghề khai thác thủy sản chiếm 75% cơ cấu kinh tế của xã nhưng không có cảng cá, ngư dân phải tận dụng các cầu cảng nhỏ, tự phát của tư nhân nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn và gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở chế biến thủy sản, cung cấp dịch vụ nghề cá (nhất là sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền) chưa phát triển đồng bộ với các ngành nghề khai thác thủy sản.
Ông Trần Xuân Vinh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết: Để góp phần giúp người dân yên tâm bám biển, tăng cường khai thác, sản xuất trên biển, Chính phủ nên tổ chức sơ kết đánh giá công tác xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế biển đảo; trong đó, tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả, tính khả thi của các chính sách hỗ trợ đối với ngư dân và hoạt động khai thác thủy sản hiện nay; qua đó, xây dựng chính sách tổng thể, đảm bảo bao quát hết những lĩnh vực cần hỗ trợ, góp phần nâng cao đời sống ngư dân.
Cùng với các chính sách hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền vươn xa bờ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, cho vay lãi suất thấp để ngư dân đầu tư mua sắm ngư lưới cụ, các thiết bị hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác, bảo quản sản phẩm cũng như các chi phí đi biển; phát triển đồng bộ các dịch vụ hậu cần nghề cá và các giải pháp ổn định giá sản phẩm thủy sản, tránh tình trạng tư thương ép giá.