Giúp ngư dân không trở thành “ngư tặc”
Trước thực trạng trên, các ngành chức năng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, thay đổi nhận thức của ngư dân.
Vi phạm vì… lợi ích kinh tế
Thực tế, chúng ta đã có nhiều hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân về tác hại của hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp trên vùng biển các nước khác; nhưng hiện nay tình trạng này vẫn còn phức tạp. Tại khu vực ĐBSCL, vi phạm nhiều nhất là ngư dân các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang…
Kinh tế biển là tiềm năng lớn của vùng ĐBSCL với lợi thế 750km bờ biển; 8/13 tỉnh, thành tiếp giáp biển cùng với khoảng 360.000 km2 vùng biển chủ quyền Việt Nam. Chính vì vậy, ngành chức năng các tỉnh trong vùng đang tăng cường các giải pháp cải thiện tình hình khai thác; mở các lớp đối thoại, nâng cao ý thức ngư dân. |
Theo ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL, nguyên nhân chính để ngư dân vi phạm khai thác trên biển là do lợi ích kinh tế, nguồn lợi thủy sản vùng biển Việt Nam đang giảm. Cơ chế pháp lý chưa đủ để răn đe so với lợi ích kinh tế của người dân. Ngoài ra, một số ngư dân vẫn còn mập mờ về vùng biển “chồng lấn” của Indonesia, Malaysia…
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến tháng 10, có 9 vụ/14 phương tiện, với 75 người khai thác đánh bắt hải sản bị lực lượng hải quân nước ngoài bắt giữ.
Tại Bạc Liêu, toàn tỉnh có 1.143 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó có 553 tàu đánh bắt xa bờ, phần lớn là các tàu dưới 90 CV. Tính đến nay đã có 1 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tháng 8 vừa qua, 4 tàu cá Kiên Giang bị phát hiện xâm phạm vùng biển Malaysia để đánh bắt hải sản trái phép.
Ông Nguyễn Việt Triều - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết: “Tàu cá hoạt động hợp pháp thì khi khai thác phải có đăng ký, đăng kiểm, sự kiểm soát của biên phòng; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên tàu; hoạt động đúng ngành nghề cho phép, không khai thác trên vùng biển nước ngoài… Nhìn chung tình trạng tàu cá vi phạm vẫn tương đối nhiều”.
Thay đổi ý thức ngư dân
“Thực tế, ngư dân vẫn còn tâm lý giấu toạ độ, giấu bãi, bài toán đặt ra là làm sao là thay đổi tâm lý này. Tới đây, Cà Mau sẽ phối hợp với các cơ quan viễn thông, đài duyên hải… nhằm đặt hàng chế tạo các thiết bị giám sát hành trình đảm bảo được tính năng đầu tiên là không cố ý tắt nguồn được, phát tín hiệu 24/24” - ông Triều thông tin.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, từ đầu năm tới nay đã tổ chức 8 lớp tập huấn, tuyên truyền về ranh giới biển, quy định của các nước lân cận khi tàu cá Việt Nam vi phạm vào vùng biển của họ; tuyên truyền về xử lý vi phạm của Việt Nam.
Ông Trần Xí Khuôl - Phó chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Hiện nay, nhà máy mua thủy sản ở cơ sở nào thì cơ sở đó phải xác nhận được tàu cá không khai thác bất hợp pháp, và phải biết tọa độ khai thác. Đồng thời, bà con cần có nhật ký khai thác thể hiện rõ tọa độ, mặt hàng khai thác”.
Hiện tỉnh Kiên Giang là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng tàu cá, với hơn 10.000 chiếc. Để nâng cao hiệu quả của nghề khai thác hải sản, tỉnh đang triển khai thực hiện tổ chức lại sản xuất trong khai thác và chương trình bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020; xây dựng trung tâm nghề cá lớn tỉnh Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam Bộ.
EU ban hành quy định IUU nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Khi EU “rút thẻ đỏ” đồng nghĩa với việc cấm các hoạt động xuất khẩu của quốc gia đó vào thị trường của họ.