Nơi giới trẻ 'săn vợ/chồng' bằng thư viết tay thay vì dùng ứng dụng hẹn hò
Thay vì dùng ứng dụng hẹn hò, chính quyền một thành phố ở Nhật Bản triển khai chương trình "săn vợ/chồng" qua những lá thư tay...
Là quốc gia có tốc độ già hóa dân số ở mức nhanh nhất trên thế giới và tỷ lệ sinh đẻ sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục, chính quyền một thành phố ở Nhật Bản đã quyết định hành động bằng cách khuyến khích người dân sử dụng phương pháp cổ truyền là viết thư tay để tìm người yêu.
Dự án mang tên “Koibumi” (Bức thư tình) được triển khai ở thành phố Miyazaki. Theo đó, những người trẻ tuổi được khuyến khích tham gia tìm bạn gái/trai theo cách cổ truyền hơn đó là chuẩn bị bút và giấy để viết một bức thư thay vì lướt qua các ứng dụng hẹn hò.
Thay vì dùng ứng dụng hẹn hò, một thành phố ở Nhât Bản khuyến khích người dân viết thư tay để tìm bạn đời. (Ảnh minh họa) |
“Tôi cứ nghĩ rằng người dân sẽ xem đây là chuyện lỗi thời, nhưng trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, dự án đã có kết quả rất khả thi. Nguyên nhân là do giới trẻ xem viết thư tay là một trải nghiệm mới mà họ chưa từng làm trong đời”, hãng thông tấn EFE dẫn lời ông Rie Miyata, Giám đốc ban tư vấn của dự án ghép đôi qua các bức thư viết tay.
Tính tới tháng Tám, khoảng 500 người với 60% là nữ giới và 40% là nam giới đã tham gia dự án “Koibumi” bằng cách chia sẻ sở thích cá nhân và tính cách trong các bức thư viết tay để từ đó tìm được người yêu phù hợp. Trong số này, 17 cặp đã thành đôi. Dù chưa có cặp đôi nào kết hôn, nhưng dự án của thành phố Miyazaki cũng được xem là đã thành công.
Đáng nói, dự án “Koibumi” không chỉ bó hẹp trong phạm vi người dân sinh sống ở thành phố Miyazaki, và cũng không giới hạn độ tuổi tham gia.
Theo đó, khi tham gia dự án, điều đầu tiên những người độc thân được yêu cầu là điền vào danh sách các sở thích cá nhân như bộ phim hay cuốn sách yêu thích. Cứ 3 năm/lần, ban tổ chức sẽ tiến hành ghép đôi thông qua nội dung chia sẻ trong các bức thư. Mỗi người tham gia được gửi tối đa 5 bức thư, trước khi họ quyết định có gặp mặt trực tiếp người được ghép đôi hay không.
Không giống như phần lớn các trang web và ứng dụng hẹn hò sử dụng hình ảnh cá nhân để thu hút đối phương, dự án “Koibumi” cấm sử dụng các bức ảnh với mục đích giúp những người mặc cảm về ngoại hình hay còn rụt rè sẽ tìm được nửa kia của mình thông qua các thông tin chia sẻ trong thư, thay vì chỉ nhìn diện mạo.
Sau khi trao đổi thư từ qua lại, một khi hai bên đồng thuận gặp mặt trực tiếp, hai người sẽ được sắp xếp gặp nhau trước một hộp thư được sơn màu vàng cho dễ nhận biết. Đây cũng chính là ngày đầu tiên cặp đôi hẹn hò.
Sau đó, ban tổ chức chương trình “Koibumi” sẽ tiến hành phỏng vấn từng người để xem họ có còn muốn tiếp tục gặp đối tác hay không. Theo ông Miyata, mới có duy nhất 1 người cho biết không muốn gặp người đã được ghép đôi sau cuộc hẹn đầu tiên.
“Trong thời buổi thông tin công khai tràn lan và tỷ lệ sinh đẻ ở mức thấp, chúng tôi muốn tại ra một dự án ấm áp và giúp những người quan tâm tới tình yêu rời khỏi nhà để ra ngoài và hẹn hò”, ông Miyata nói.
Theo số liệu của chính phủ Nhật Bản, tỷ lệ sinh đẻ ở nước này đã rơi xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2021 với tổng cộng 811.604 trẻ chào đời.
Trong khi đó, theo ước tính, số người già trên 65 tuổi ở Nhật Bản sẽ chiếm gần 40% tổng dân số vào năm 2060, tăng từ mức 23% vào năm 2010.
Tỷ lệ sinh đẻ sụt giảm trong nhiều năm qua giữa lúc Nhật Bản phải chứng kiến tốc độ già hóa dân số nhanh chóng được cho xuất phát từ việc số lượng người trẻ tuổi ở đất nước Mặt trời mọc tiến tới hôn nhân đang giảm mạnh.
Theo báo cáo về giới năm 2022 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, 25,4% phụ nữ và 26,5% nam giới ngoài 30 tuổi chia sẻ họ không muốn kết hôn. Với những người ngoài 20 tuổi, 19% nam giới và 14% nữ giới thừa nhận không có kế hoạch lập gia đình.
Vào năm 2021, Nhật Bản có 501.116 cặp đôi làm đám cưới, ít hơn năm 2020 khoảng 25.000 đôi. Đây cũng là số lượng cặp đôi kết hôn ở mức thấp nhất kể từ sau Thế chiến Thứ Hai, khiến nhiều tỉnh thành ở Nhật Bản triển khai hàng loạt phương pháp “konkatsu” (săn vợ/chồng) cho người dân.
Các tỉnh phía nam là Miyazaki và Kagoshima là 2 khu vực triển khai nhiều dự án thí điểm nhằm tăng số lượng cặp đôi làm đám cưới. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Nhật Bản, tỷ lệ người độc thân trong độ tuổi từ 30 – 34 tại Miyazaki hiện chiếm 49,1% và ở Kagoshima là 49,9%. Đáng nói, tỷ lệ này ở thành phố Tokyo lên tới 58,8%.
Ngoài chương trình “Koibumi”, chính quyền thành phố Miyazaki còn thành lập trung tâm hỗ trợ kết hôn, nơi các cuộc họp và sự kiện được tổ chức để người tham gia tìm được người yêu. Số liệu được công bố hồi tháng Một cho biết có 116 cặp đôi đã nên duyên nhờ trung tâm hỗ trợ kết hôn.
Tại tỉnh Kagoshima, một trung tâm tương tự cũng được thành lập vào năm 2017 và se duyên cho khoảng 56 cặp đôi.
Giới trẻ không cần người yêu, chỉ thích thú cưng vì sợ... drama
Không còn xem trọng chuyện có người yêu để kết hôn và sinh con, giới trẻ Trung Quốc chọn nuôi thú cưng để "tránh drama".
Trở thành lính cứu hỏa sau 14 năm được cứu khỏi trận động đất làm 87.000 người chết
Sau 14 năm được cứu sống khỏi trận động đất khiến 87.000 người chết, chàng trai đã hiện thực hóa ước mơ trở thành lính cứu hỏa để đi cứu người.
Minh Thu (lược dịch)