Sau những điểm số trúng tuyển lớp Mười “kỳ cục” là gì?
Mấy ngày nay, huyện miền núi Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa trở thành tâm điểm của các thông tin giáo dục, bởi điểm trúng tuyển lớp Mười thấp đến mức… khó tin.
Điểm trúng tuyển quá thấp có do điều kiện sống của địa phương?
Cũng trong tỉnh Thanh Hóa, Trường THPT Thường Xuân III của H.Thường Xuân, điểm trúng tuyển tuy cao hơn, nhưng điểm trung bình/môn vẫn dưới 1 (0,92). Chưa hết, Trường THPT Lê Lai và THPT Bắc Sơn của H.Ngọc Lặc, THPT Ba Đình và THPT Nga Sơn của H.Nga Sơn, THPT Thường Xuân II của H.Thường Xuân, THPT Bá Thước và THPT Hà Văn Mao của H.Bá Thước, THPT Như Xuân II của H.Như Xuân, điểm trung bình/môn cũng chỉ từ 1 đến 1,8.
Học sinh Hà Nội trong kỳ thi tuyển lớp Mười |
Không chỉ ở các huyện miền núi của Thanh Hóa, một số trường THPT của TP.Cần Thơ, điểm trúng tuyển lớp Mười cũng tương tự, chỉ từ 1,06-1,8 điểm/môn. Cụ thể, điểm trúng tuyển trung bình/môn của Trường THPT Giai Xuân (H.Phong Điền) là 1,06; THPT Trường Xuân (H.Thới Lai): 1,28; THPT Thạnh Thắng (H.Vĩnh Thạnh): 1,5; THPT Vĩnh Thạnh (H.Vĩnh Thạnh): 1,60; THPT Thới Long (Q.Ô Môn): 1,8.
Còn ở Hà Nội, một số trường lấy điểm trúng tuyển thấp đến… khó tin: THPT Lưu Hoàng (H.Ứng Hòa), THPT Minh Quang và THPT Bất Bạt (H.Ba Vì) có cùng điểm chuẩn là 13, song chia trung bình/môn thì chỉ 2,6 điểm/môn là đỗ. Thấp nhất là Trường THPT Đại Cường (H.Ứng Hòa), điểm chuẩn 12,5 - tương đương 2,5 điểm/môn là đỗ.
Lang Chánh, Bá Thước, Như Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc đều là những huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Với mức điểm trung bình/môn là 0,58 đã trúng tuyển lớp Mười, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh này nêu lý do đây là huyện miền núi, học sinh (HS) chủ yếu thuộc các dân tộc thiểu số, việc các em đi thi và thoát được điểm liệt (0,25) đã là điều quý giá… Nếu lấy lý do này để biện minh cho điểm thi thấp thì với TP.Cần Thơ, điểm trúng tuyển lớp Mười một số trường THPT chỉ tương đương các huyện miền núi Thanh Hóa, yếu tố địa lý và cộng đồng có đủ để biện minh?
Với TP.Hà Nội, sẽ phải giải thích, phải nêu lý do thế nào đối với nhóm trường lấy điểm chuẩn thấp nhất là 2,5-2,6 điểm/môn. Còn nhớ năm học 2019-2020, điểm chuẩn trung bình của H.Ứng Hòa là 3,06 điểm/môn. Cũng đã có không ít kiến giải từ các giáo viên, hiệu trưởng rằng: mức điểm chuẩn chênh nhau giữa khu vực nội thành và ngoại thành lớn như thế, là bởi… điều kiện sống của HS ngoại thành không được đảm bảo, điều kiện học tập chưa tốt. Thậm chí, không ít cán bộ giáo dục cho rằng, điểm thi, điểm chuẩn ở khu vực ngoại thành thấp là bởi nhiều HS phải tăng gia sản xuất, giúp đỡ gia đình.
Xin thưa, đó là những kiến giải đầy tính bao biện. Đúng là có những HS phải phụ giúp gia đình, nhưng số này không nhiều. Ngay huyện cửa ngõ phía nam là Thường Tín, điểm chuẩn trung bình/môn của Trường THPT Lý Tử Tấn là 2,91; THPT Tô Hiệu là 3 điểm/môn; THPT Vân Tảo là 3,5. Cao nhất là Trường THPT Thường Tín, điểm chuẩn trung bình/môn vừa tròn mức điểm… trung bình 5,0.
Khi khảo sát, 100% phụ huynh được hỏi đều khẳng định: bọn trẻ bây giờ chỉ có nhiệm vụ ăn và học. Thậm chí, khi chúng tôi hỏi: “Ở xã Tự Nhiên bây giờ, HS độ tuổi THCS, THPT có phải phụ giúp kinh tế gia đình không?”, một viên chức trong ngành giáo dục huyện này, đồng thời cũng là người ở xã Tự Nhiên thốt lên: “Có làm gì đâu! Chỉ ăn, học và chơi thôi”.
Quá nhiều vấn đề phía sau
Thực chất, điểm trúng tuyển lớp Mười thấp đến mức đó chỉ là phần nổi của những bất cập. Kết thúc năm học 2019-2020, TP.Hà Nội có 15.000 HS được xét tốt nghiệp THCS nhưng không đăng ký thi vào lớp Mười công lập. Lý do được đưa ra là nhiều HS có nguyện vọng đăng ký xét tuyển trường THPT ngoài công lập với phương thức xét tuyển từ kết quả học bạ THCS, một số có nguyện vọng vào trung tâm giáo dục thường xuyên và một số hướng đến trường trung cấp chuyên nghiệp có tuyển HS tốt nghiệp THCS để đào tạo nghề và liên kết giảng dạy bảy môn văn hóa.
Ngay từ con số HS không tham gia thi tuyển lớp Mười công lập đã có thể đặt ra vấn đề: hoặc là số HS đó sẽ đạt điểm - thậm chí còn thấp hơn những HS đã trúng tuyển với điểm chuẩn chỉ 2,5-2,6 điểm/môn. Hoặc chính các HS không đăng ký thi tuyển ấy lại xứng đáng vào lớp Mười công lập hơn những HS vừa đỗ với mức 2,5-2,6 điểm/môn kia.
Hoặc nữa là có thể sẽ có một sự “bất công” với những HS không tham gia thi tuyển. Bởi, số lượng thi tuyển hay không thi tuyển cũng là con số do sở GD-ĐT đề ra, mà Hà Nội chỉ là ví dụ. Tỷ lệ không thi tuyển này liên quan đến công tác phân luồng sau THCS, một số địa phương đã “đóng khung” tỷ lệ HS phải chọn học nghề thay vì thi lên THPT. Đó là cách làm quá cứng nhắc, cũng giống như việc các trường phải tuyển cho đủ chỉ tiêu nên mới “vơ bèo vạt tép” và dẫn đến “thảm trạng điểm đỗ” như trên.
Với điểm đỗ cách điểm trung bình rất xa như thế, thì có nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi tốn kém, gây áp lực với cả phụ huynh và thí sinh? Chưa kể, theo Quyết định số 12/2006/QÐ-BGD của Bộ GD-ĐT về Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, căn cứ vào tình hình thực tế từng địa phương, sở GD-ÐT hằng năm sẽ quyết định lựa chọn phương thức tuyển sinh THPT gồm: xét tuyển, thi tuyển và kết hợp xét tuyển và thi tuyển. Có nghĩa, thi tuyển không phải là phương án tuyển sinh duy nhất. Trong khi phần lớn các tỉnh, thành phố trên cả nước đều chỉ lựa chọn thi tuyển.
Trở lại với câu hỏi “Điểm chuẩn trung bình/môn chỉ từ 0,58-2 điểm thì tổ chức thi tuyển để làm gì?”, có lẽ, câu trả lời chân thực nhất là để biết được chất lượng dạy và học thực sự ở nhiều địa phương. Nói “thực sự”, bởi đây mới là con số “biết nói” chứ không phải là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT.
Trong tương lai, ngoài trường chuyên, trường top đầu, nên chăng chỉ xét tuyển bằng học bạ của những HS tốt nghiệp THCS - như trước đây chúng ta đã thực hiện? Bên cạnh đó, những HS không đủ điểm vào THPT, nếu mong muốn, đều có thể đăng ký dự tuyển vào bất kỳ trường nghề nào (có tuyển HS tốt nghiệp THCS). Tất nhiên, vấn đề này cần sự kết hợp giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các địa phương.
Uông Ngọc
Học sinh Hà Nội trong kỳ thi tuyển lớp Mười |
Theo www.phunuonline.com.vn