Học sinh lớp 1 cõng em băng núi đến trường

Không gửi được em, nhiều học sinh lớp 1, lớp 2 ở xã vùng cao Nghệ An phải cõng theo em của mình đến lớp vừa trông em vừa học chữ.

Vừa học vừa trông em

Điểm trường bản Phia Khăm 1 là một trong những điểm trường còn khó khăn và xa nhất của Trường Tiểu học PTDT bán trú Bắc Lý 1 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Điểm trường này có 25 học sinh được phân bổ thành 2 lớp 1 và 2, song sĩ số của lớp học luôn vượt quá 25 em bởi nhiều học sinh nơi đây thường phải bế em tới lớp, làm nhiệm vụ kép vừa học vừa trông em.

“Chuyện bế em đi học ở đây diễn ra thường xuyên. Lớp 2 do tôi phụ trách chỉ có 11 học sinh, nhưng có hôm trong lớp có tới 16 em” - thầy Phan Văn Khanh (chủ nhiệm lớp 2E) nói và cho hay chỉ có cách này thì nhiều học sinh mới có thể tiếp tục đến trường học được.

Nhiều năm cắm bản tại điểm trường “nhiều không” này, thầy giáo 31 tuổi cho biết những thiếu thốn khác có thể xoay xở, song chỉ có nước sạch là điều khiến thầy Khanh cơ cực nhất.

Một học sinh lớp 1 say sưa học bài khi em đang say giấc ngủ trên lưng
Một học sinh lớp 1 say sưa học bài khi em đang say giấc ngủ trên lưng.

Như thường lệ, chưa đến 4g sáng thầy Khanh đã phải thức dậy mang theo can nước 20 lít theo dân bản ra khe nước cách điểm trường hơn 3km để lấy nước về sinh hoạt. “Học sinh đưa em đến lớp, đôi lúc ra đó đi vệ sinh thì mình cũng phải có nước để các em rửa mới có thể tiếp tục việc dạy và học được. Nhưng mà 1 mình thì xoay không kịp, đôi lúc phải nhờ các em mang theo ít nước đến lớp để sử dụng nữa” - thầy Khanh nói.

Thế mà mong ước của thầy và trò là có 1 bể chứa nước sạch tưởng chừng như đơn giản chỉ nhưng vẫn chưa có được.

Dáng người nhỏ nhắn, Cụt Thị Nhi (8 tuổi) cố cúi thấp cổ xuống tập đọc để cô em gái 2 tuổi đang say giấc ở phía sau lưng có thể tựa đầu vào vai mình. Nhi là con gái thứ 2 trong gia đình có 4 người con, bố của Nhi đi làm phụ hồ ở Hà Nội, mẹ bận lên nương rẫy nên cô bé được giao nhiệm vụ trông em. Không nhờ được ai trông hộ, Nhi chỉ còn cách cõng theo em gái đến lớp học. 

Con đường đất gập ghềnh từ nhà tới trường của Nhi mấy hôm nay thêm nặng nề hơn bởi sau lưng em còn có cô em gái. Mỗi lúc gặp đoạn đường dốc, cô bé lại còng gập lưng, một tay đưa về sau giữ em, một tay nắm chặt sách vở, gắng bước lên thật nhanh để không muộn giờ học.

Khác với Nhi, Cụt Thị Ngom (7 tuổi) bỗng dưng trở thành trẻ “mồ côi”, phải sống nương nhờ vào ông bà nội từ năm lên 6. Năm ngoái, bố Ngom đột ngột qua đời, mẹ của em không đành lòng với cuộc sống khó khăn này đã bỏ rơi 2 chị em Ngom sang Trung Quốc rồi mất liên lạc cho đến nay. 

“Ông bà nội đi làm rẫy cả ngày nên cô bé phải nghỉ học ở nhà trông em. Tôi tìm đến nói chuyện, biết hoàn cảnh nên bảo Ngom đưa cả em đến lớp. Nhiều hôm nhìn đứa bé gầy gò địu em trên lưng ngồi học mà thấy xót cho các em” - thầy Khanh nói. 

Điểm trường bản Phia Khăm 1 còn tạm bợ
Điểm trường bản Phia Khăm 1 còn tạm bợ.

Thương học trò thiếu thốn cả tình thân lẫn vật chất, thầy Khanh thường xuyên nói chuyện động viên, trích tiền lương mua thêm cái bút, quyển vở cho các em; tranh thủ ngày nghỉ đi xin quần áo cũ cho học trò.

Sẵn có phòng trống do khối lớp 3,4,5 đã chuyển về điểm trường chính ở bán trú, thầy Khanh đặt thêm một chiếc giường để có chỗ cho những đứa trẻ theo anh chị tới trường ngả lưng. Nhưng chiếc giường cũ này cũng chẳng mấy khi được dùng tới bởi “trẻ đã quen hơi ngủ trên lưng chị, tách ra là khóc thét lên”. 

Thầy cho biết, để vận động những học sinh này đến trường đôi lúc giáo viên còn phải chăm lo cả ăn uống cho các em bởi “bố mẹ đi làm nương rẫy lâu ngày, nếu để con nhỏ ở nhà cũng rất khó, chúng biết lấy chi ăn”.

Thầy trò cùng “trông trẻ”

Thầy Doãn Chí Trung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Bắc Lý 1 cho biết, tình trạng học sinh phải bế theo em đến trường học có khá nhiều ở ngôi trường này.

“Thầy cô trên này trong túi lúc nào cũng sẵn ít kẹo, thỉnh thoảng lại phỉnh trẻ bớt khóc cho chị hoặc anh học” - thầy Trung nói và cho biết, dù mới lớp 1, lớp 2 song nhiều học sinh đã phải trông em cho bố mẹ, ông bà đi làm nên không bế em đến lớp thì buộc phải nghỉ học ở nhà trông em.

Cảnh anh chị học bài, em ngồi chơi đùa bên cạnh không quá xa lạ ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bắc Lý 1
Cảnh anh chị học bài, em ngồi chơi đùa bên cạnh không quá xa lạ ở Trường Tiểu học PTDT bán trú Bắc Lý 1.

Mỗi lúc lớp học có thêm trẻ, các giáo viên lại phải sắp xếp, bố trí lại chỗ ngồi để làm sao học sinh có thể vừa thoải mái trông em vừa học bài. “Khi trẻ đã ngủ ngon giấc thì thầy cô, hoặc bạn trong lớp có thể giúp các em bế trẻ thay một lát để học. Các em đã thiếu thốn, nên chúng tôi cũng muốn dùng mọi cách để làm sao các em thấy còn bạn, còn thầy cô quan tâm, có động lực tiếp tục học. Đây cũng là hình ảnh để những em học sinh khác thấy rằng mình còn may mắn hơn khi chỉ phải đến trường một mình, tôi cũng thường lấy ảnh này ra cho con mình xem để cháu phấn đấu học hơn” - thầy Trung nói.

Lãnh đạo Trường Tiểu học PTDT bán trú Bắc Lý 1 cho biết, nơi đây có trên 90% là người đồng bào dân tộc Khơ Mú, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, việc học của con em cũng được người dân quan tâm nhiều hơn, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, công việc gắn liền với nương rẫy nên việc học của nhiều học sinh nơi đây thường bị “ngắt quãng”. 

“Có nhiều nguyên nhân như do bố mẹ nghiện ngập rồi bỏ nhau, để lại con cho ông bà. Bố mẹ đi làm ăn xa, hay đơn giản là đi làm nương rẫy không đưa trẻ nhỏ đi theo, buộc các em phải ở nhà trông em. Khi nhà trường vận động học sinh đến trường thì các em lại phải bế em theo” - thầy Trung nói.

Theo thầy Trung, phía nhà trường cũng đã làm việc với chính quyền địa phương để tìm biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng học sinh cõng trẻ tới trường. Làm sao để tệ nạn xã hội không còn, người dân hết cảnh nghiện ngập thì việc con trẻ bị bỏ rơi cũng sẽ giảm đi. Ngoài ra, nhà trường cũng mong muốn chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn, có chính sách hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Theo phunuonline.com.vn

Trường ở Hà Nội tăng học phí đột ngột, buộc học sinh thôi học nếu không nộp?

Mới đây, một số phụ huynh của trường THPT Hà Đông (Hà Nội) bày tỏ bất ngờ trước thông báo đột ngột tăng học phí và học sinh có thể phải thôi học nếu không đáp ứng được mức tăng này.

Nam sinh Hà Nội trúng tuyển 11 trường ĐH thế giới, học bổng lên đến 8 tỷ

Từ bỏ suất học bổng ở mức cao nhất dành cho sinh viên quốc tế tại đại học số 1 Canada, Lê Thanh Dũng dự định sẽ theo học tại Mỹ với suất học bổng hơn 8 tỷ đồng.

Không được tổ chức thi riêng, các trường tư Hà Nội tuyển sinh lớp 10 thế nào?

Sở GD-ĐT Hà Nội đã chính thức công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT tư thục và công lập tự chủ. Trong đó, năm nay, Sở yêu cầu các trường tư không tổ chức kỳ thi riêng.

'Xin phụ huynh hãy trả lại sự tôn nghiêm cho người thầy'

Chẳng thể chịu thêm áp lực, cùng đồng lương bấp bênh, chị nộp đơn xin thôi công việc đã gắn bó 5 năm, từng là niềm tự hào, mơ ước. Suốt chặng đường từ trường về nhà, chị òa khóc với quyết định của chính mình.

Nam sinh mồ côi bố giành học bổng 7 tỷ: Làm nghề bưng bê lấy tiền thi IELTS, SAT

Biến cố mất bố vào năm lớp 2 khiến Quang dần thu mình, không muốn giao tiếp với ai. Cho đến tận đầu năm lớp 8, em mới bắt đầu có khát khao xóa bỏ con người nhút nhát để bước ra khỏi vùng an toàn.

Đam mê về game đưa nữ sinh trúng tuyển ĐH Mỹ, học bổng 6,6 tỷ

Tự tin chọn lối đi riêng với niềm đam mê về game, Trịnh Bảo Hân (học sinh lớp 12 Anh 2 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) vừa giành học bổng trị giá 6,6 tỷ đồng vào ĐH Drexel, Mỹ.

'Tôi nghỉ việc để giữ sự uy nghiêm cuối cùng của người thầy'

Trước áp lực của học sinh và phụ huynh, sau một tình huống sư phạm gây tranh cãi, cô H. đã quyết định nộp đơn nghỉ việc, chia tay với nghề đã nhiều năm gắn bó.

Nữ sinh xứ Nghệ trúng tuyển 9 đại học Mỹ

Từ Nghệ An ra Hà Nội học trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh, Quỳnh Anh phải chật vật để bắt kịp với các bạn. Nhưng cũng chính cú sốc ấy đã tạo đà giúp nữ sinh chinh phục hàng loạt đại học hàng đầu nước Mỹ.

Người lao công ăn bánh mì trên phố 'giúp' nữ sinh Hà Nội vào ĐH top đầu Mỹ

Thay vì chọn những ngành học đang được coi là thời thượng, Võ Nguyễn Gia Minh (học sinh lớp 12, Hà Nội) quyết theo đuổi ngành Khoa học môi trường ở đại học công lập top đầu Mỹ với khát khao trở về giúp đất nước xanh và sạch hơn.

Cuộc thi sáng tạo STEM thu hút hàng trăm nghìn giáo viên, học sinh tham gia

Cuộc thi nhằm đem đến cho các em học sinh cơ hội ứng dụng kiến thức giáo dục STEM liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để tìm ra và hiện thực hóa các giải pháp sáng tạo.

Đang cập nhật dữ liệu !