Người lao công ăn bánh mì trên phố 'giúp' nữ sinh Hà Nội vào ĐH top đầu Mỹ
Trúng tuyển University of California, Berkeley (UC Berkeley, Mỹ), Gia Minh cho hay em “rẽ hướng” quyết định theo đuổi ngành Khoa học môi trường - ngành học trái với những thế mạnh, năng khiếu của mình đến từ một sự tình cờ.
Tháng 11/2019, trong một lần đi cùng bố trên đường, em tình cờ thấy cảnh các lao công ăn bánh mì bên cạnh hàng chục chiếc xe đẩy chất đầy rác thải đang chờ ô tô đến vận chuyển đến bãi rác của thành phố. “Con có thấy khi nhiều người đang ăn uống nghỉ ngơi ở những nơi có điều kiện tốt, cũng còn không ít người phải lao động vất vả trong điều kiện làm việc khắc nghiệt”- câu nói thoáng qua của bố khi đó vẫn in sâu trong tâm trí của Gia Minh.
Thời điểm đó, ngoài học văn hóa, sự say mê của nữ sinh dành cho âm nhạc và hội hoạ. Cô bạn có sở thích hội hoạ và từng tham gia tổ chức, làm trợ lý giám tuyển cho một số triển lãm nghệ thuật. Gia Minh cũng thể hiện năng khiếu với âm nhạc khi có khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ như: piano, violin, viola, trống,…
Thậm chí, nữ sinh có thể chơi 3 nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng của trường. Riêng violin, Gia Minh có thể tự tin đứng ở vị trí bè 1 của dàn nhạc.
“Lúc đó, cho dù đang biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương với đàn piano và trống cổ điển hay chơi để giải trí tại nhà, em đều tìm thấy niềm vui lớn trong ngôn ngữ âm nhạc đa dạng. Đối với em, âm nhạc như một ngôn ngữ phổ quát vượt mọi ranh giới và gắn kết mọi người lại với nhau”, Gia Minh chia sẻ về niềm say mê của mình.
Nhưng sự bất ngờ không chỉ đến với mọi người trong gia đình mà với cả bản thân Gia Minh. Sau câu nói tình cờ “về sự vất vả của những người lao công vệ sinh môi trường” của bố, Gia Minh bị thôi thúc và ngay đêm giao thừa năm ấy, quyết định không ở nhà mà tìm đến gặp gỡ những người lao công đường phố. Đó cũng là lúc em thấy ở những con phố vắng, những nhóm công nhân môi trường vẫn cần mẫn dọn dẹp đủ những thứ rác thải... Với họ, công việc thực sự vất vả, thiếu sự công nhận và những khó khăn về tài chính,… tất cả khiến em cảm động.
Cũng từ đó đến nay, 4 đêm giao thừa liên tiếp, Gia Minh không ở nhà mà tìm đến nhiều địa điểm gặp gỡ, trò chuyện và tặng quà, chia sẻ không khí Tết với công nhân môi trường.
“Qua những lần trải nghiệm đó, em không chỉ mở mang cách nhìn cuộc sống mà cả còn thấy bản thân cần chia sẻ nhiều hơn với những người xung quanh”, Gia Minh tâm sự.
Cũng chính sự gần gũi, chia sẻ nhiều năm đó, dần dần Gia Minh cảm thấy muốn góp phần tìm cách giải quyết những vấn đề xã hội rộng lớn.
Sau nhiều năm chia sẻ với những người lao công, em thấy rõ việc thu gom, phân loại, xử lý rác ở đô thị nước ta chưa có sự bố trí khoa học. Vì thế, xảy ra tình cảnh “hỗn loạn” các loại rác chưa được phân loại, hôi thối và mất cảnh quan đô thị.
“Em càng trăn trở hơn khi thấy cảnh những cô chú lao công vất vả dọn rác từ ngày lẫn đêm, không kể mưa nắng nhưng dường như không khi nào hết việc”, Gia Minh nói.
Sâu hơn, em thấy sự vất vả của lao công phần nhiều đến từ quy trình phân loại rác từ nguồn, ý thức người dân và cách ứng xử của con người với môi trường từ việc xả rác đến việc nước thải chưa được xử lý khi thải xuống sông, hồ; thậm chí cả chính sách về xử lý rác nói riêng và môi trường nói chung cũng còn không ít vấn đề cần sớm được sửa đổi.
Thay vì quyết định theo học những ngành được coi là hot như AI, tài chính, truyền thông, quản trị kinh doanh,… ở đợt apply du học lớp 12, Gia Minh quyết định theo đuổi ngành Khoa học môi trường.
“Em muốn đi học để tìm cách thay đổi, đơn giản nhất có thể là tối ưu quá trình thu thập và xử lý rác”, Gia Minh nói về mong mỏi của bản thân.
Những hành trình và trải nghiệm của bản thân sau nhiều năm và khát vọng thay đổi cũng được Gia Minh chia sẻ trong bài luận của mình gửi tới những trường đại học Mỹ.
Ngoài bài luận với nhiều chất liệu từ cuộc sống, Gia Minh cũng có thành tích học tập ấn tượng khi từng giành nhiều giải thưởng về Toán học, Vật lý quốc tế như Huy chương Vàng International Math Challenge; Huy chương Bạc International Youth Math Challenge; giải Khuyến khích kỳ thi Physico Challenge, Stemco Olympiad...
Em cũng từng được làm chủ tọa của hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc dành cho học sinh các trường quốc tế tại Châu Á.
Mới đây, cô bạn vừa nhận được tin vui với thông báo trúng tuyển từ University of California, Berkeley (UC Berkeley) - trường đại học công lập top đầu của Mỹ.
Gia Minh cho hay, nhận tin trúng tuyển, em vô cùng vui sướng bởi mục tiêu theo đuổi định hướng phát triển môi trường bền vững, cụ thể hơn là thay đổi môi trường Việt Nam của mình được chắp cánh để dần hiện thực hóa.
Ngoài UC Berkeley, Gia Minh cũng trúng tuyển và nhận thư mời nhập học từ 5 trường đại học khác tại Mỹ.
Quyết định theo đuổi ngành học không quá hot, nhận thức được nhiều thách thức, nhất là cơ hội việc làm sau khi về nước, song Gia Minh không hề lung lay:
“Em chọn ngành học này bởi tin rằng môi trường là một trong những yếu tố quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định một đất nước có phải là quốc gia phát triển, giàu có hay không”.
Nữ sinh tin rằng, với những dịch chuyển trong tư duy, quyết tâm cao trong việc bảo vệ môi trường của đất nước, bản thân nếu học tập tốt sẽ không thiếu những cơ hội thể hiện mình trong tương lai. “Em muốn hướng đi của mình cũng sẽ phần nào làm thay đổi tư duy, nhận thức của cộng đồng và mang lại những giá trị cho chất lượng cuộc sống trong tương lai”.
Gia Minh cho biết tháng 8 em sẽ lên đường đi du học Mỹ với hy vọng được nghiên cứu các chính sách môi trường, hệ thống quản lý chất thải và tác động đến hành vi của con người,...
Thời điểm này, ngoài việc hoàn thành chương trình phổ thông, Gia Minh đang lên kế hoạch trang bị thêm cho mình những kỹ năng để thích nghi với cuộc sống tự lập ở môi trường đại học sắp tới.