Giờ học lạ: Học sinh khóc, cười trên bục giảng
Môn Ngữ Văn là một bộ môn khá đặc biệt, nhiều em học sinh cho rằng áp lực môn Văn gây ra rất nặng do lượng kiến thức nhiều, lối dạy nhồi nhét khiến môn Văn vốn đã ít người yêu thích nay lại càng nhiều người chán học hơn. Nhưng tại trường Trung Học Cơ Sở (THCS) Nguyễn Du (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang áp dụng một phương pháp dạy văn học hoàn toàn mới, khiến các em học sinh hứng thú và chủ động học Văn hơn.
Học sinh thành diễn viên, bục giảng thành sân khấu
Cô giáo Vũ Thị Thanh Hương, sinh năm 1984, là giáo viên bộ môn Văn lớp 8E trường THCS Nguyễn Du cho rằng: "Với cách dạy văn cũ, các em học thụ động: nghe giảng và chép, vì vậy không ít em học sinh không thực sự yêu thích môn văn. Nhiều em học chống chế, học đối phó, học vẹt nên lượng kiến thức các em thu về rất ít. Vì vậy, cách dạy học mới là đưa các em vào chính hoàn cảnh của nhân vật, dựng lại một vài trích đoạn để các em hóa thân thành nhân vật, từ đó các em có thể nhận ra cảm xúc của nhân vật trong các tác phẩm văn học hay dụng ý của tác giả khi viết".
Để học và diễn có hiệu quả, cô Hương mời nữ đạo diễn Nhân Sơn và nữ diễn viên Hoàng Anh đến để giúp đỡ các em học sinh của mình tiếp cận tác phẩm
Cô Hương đã ấp ủ ý tưởng cải tiến phương pháp học , động viên các em học sinh của mình thành những diễn viên không chuyên dựa trên các tác phẩm văn học mà các em được học từ khá lâu. Mỗi buổi học, cô chia các em thành từng nhóm để vẽ tranh, dựng kịch bản và chọn những tác phẩm hay nhất để dàn dựng. Chương trình bắt đầu áp dụng vào năm 2010, và đang dần phát triển ra toàn trường.
Nhiều người thắc mắc liệu một tác phẩm văn học dài như thế để dàn dựng rồi diễn thử thì mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng không nhỏ tới lượng kiến thức của các em, cô Hương tâm sự rằng từ lúc bắt đầu cho đến lúc diễn thật là cả một giai đoạn dài để chuẩn bị, khi bắt đầu diễn thử các em chỉ có 4 tiếng để hoàn thành.
"Không phải tác phẩm nào cũng áp dụng phương pháp dạy này, mà chỉ ưu tiên những tác phẩm đặc biệt, có giá trị nhân văn cao đẹp để dạy các em vì văn học là nhân học", cô bày tỏ. Cô cho biết trong một tác phẩm chỉ làm vài cảnh nhưng để làm được vài cảnh đó các em phải đọc toàn bộ tác phẩm, điều này tránh việc các em học đối phó.
Buổi học thú vị khiến ai cũng hào hứng
"Lúc đầu, tôi thấy các em diễn rất dở, làm hỏng hoàn toàn tác phẩm (cười), vì dù sao các em cũng là những diễn viên không chuyên. Lúc đó tôi cũng buồn lắm. Chính các em cũng buồn vì mồ hôi công sức không được đền đáp như những gì mình muốn", cô Hương cho biết những tháng ngày khó khăn đã trải qua.
Là người dự khán, nhiều bậc phụ huynh đến tham dự còn bật khóc, “khi con mình cất giọng, mình cảm nhận rõ rệt về sự trưởng thành của con mình”, một phụ huynh chia sẻ.
Với cách dạy nghiêm túc, chịu khó trau chuốt sắc thái giọng nói để mỗi tính cách nhân vật biến đổi theo từng tình huống, cô trò trường hăng say tập luyện.
Dù các em không chuyên với nghiệp diễn nhưng đó không phải là rào cản để hoàn thành tác phẩm, không dễ để truyền đạt đến cho các học trò nếu các em lơ là.
Xiu và Giôn-xi “phiên bản nam”
Ban đầu khi tham gia vào cách học này, không ít em học sinh còn bỡ ngỡ nhưng trên hết em nào cũng thích thú. Để học và diễn kịch có hiệu quả, cô Hương mời nữ đạo diễn Nhân Sơn và nữ diễn viên Hoàng Anh đến để giúp đỡ các em học sinh buổi đầu chạm tay tới nghiệp diễn xuất. Nữ đạo diễn trẻ Nhân Sơn chia sẻ: "Cho dù các em không được học qua trường lớp về diễn xuất nhưng khi xem tôi và nữ diễn viên Hoàng Anh diễn mẫu, chính các em sẽ rút ra được kinh nghiệm. Từ đó cái hồn của nhân vật, những cảm xúc của nhân vật cũng chính là của mình".
Chiều ngày 8/10, cô và trò lớp 8E đã dựng lại trích đoạn "Chiếc lá cuối cùng" của nhà văn O.Henry. Trong đó có cuộc đối thoại của 2 nhân vật Xiu và Giôn-xi, các em học sinh trong lớp ai ai cũng thích thú và thể hiện mình dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Ngân Sơn và Hoàng Anh.
Sau buổi diễn thử, cô Hương nhận xét: "Đó là những cảm xúc thật của các em, sự cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm được minh chứng bằng những giọt nước mắt của nhiều em học sinh". Nữ đạo diễn Nhân Sơn chia sẻ: "Những buổi tập này sẽ trở thành kỉ niệm của các em, để mai sau về họp lớp còn lôi ra để ôn lại".
Hai học sinh nam trong lớp là em Ngô Hoàng Thắng và em Nguyễn Ngọc Tú hăng hái xung phong đóng Xiu và Giôn-xi phiên bản nam chia sẻ: "Đối với chúng em, môn Văn là bộ môn học không dễ, có những lúc nhàm chán, nhưng khi học Văn theo phương pháp này, chúng em thực sự hào hứng. Chúng em có cơ hội hiểu được tính cách của nhân vật, và đương nhiên, điều này khiến chúng em hiểu hơn về tác phẩm chứ không chỉ đơn thuần là đọc và học thuộc". Tú còn hài hước cho rằng: "Học như vậy chắc chắn điểm Văn của em sẽ cao hơn".
Cô Thanh Hương tự hào về học trò của mình: "Nhà trường cùng phụ huynh học sinh rất ủng hộ các em tham gia chương trình học như thế này. Tôi cũng mong các em từ những buổi học như thế này sẽ yêu môn văn hơn, chăm chỉ hơn và biết đâu sẽ có em theo nghiệp của cô giáo".
Cần tham khảo phương pháp mới và nghiên cứu để nhân rộng
Trong rất nhiều năm, môn Ngữ Văn tại trường học đã được dạy với phương pháp đọc-ghi truyền thống. Không thể phủ nhận phương pháp này ban đầu đem lại những lợi ích thiết thực: "Học sinh hiểu tác phẩm nhanh hơn, nắm được những biện pháp nghệ thuật và dụng ý tác giả nhanh hơn.
Tuy nhiên Văn học không phải là bộ môn phân tích học, càng không phải một lĩnh vực bất biến. Văn học luôn thay đổi và mỗi người khi đọc một tác phẩm lại cảm nhận nó theo một cách khác nhau. Rất ít khi có chuyện người đọc hiểu ngay ý nhà văn muốn truyền tải, đôi khi ý của nhà văn rất đơn giản nhưng những nhà phân tích, phê bình, lý luận lại viết những cuốn sách dày để giảng giải về chúng", bác Ngô Ngọc - phụ huynh học sinh cho biết.
Không chỉ bác Ngọc mà nhiều bậc phụ huynh cho biết, họ rất hoan nghênh và thích thú với phương pháp dạy Văn ở trường THCS Nguyễn Du. "Đây là một phương pháp mới lạ, sáng tạo. Bước đầu đã đem đến hứng khởi cho không ít học sinh với môn Văn, trong đó có con của tôi, bé Hoàng Thi.
Con học rất tốt môn tự nhiên nhưng môn xã hội trong đó có Văn lại không tốt, với điểm số không cao, tôi chỉ biết cách mỗi ngày ép con đọc nhiều sách tham khảo, học ý thậm chí học thuộc một số bài tuy nhiên, con rất uể oải, không hợp tác. Vậy nhưng khi được tham gia lớp học đặc biệt này, con rất thích thú và chủ động đọc đi đọc lại tác phẩm nhiều hơn", cô Linh, phụ huynh học sinh hào hứng nói.
Nguồn Tri thức trẻ