Giáo dục tại nhà: Bộ GD&ĐT nên công nhận tính hợp pháp của mô hình này
Hiện nay, câu chuyện giáo dục con tại nhà vẫn đang có nhiều dư luận tranh cãi, nhất là khi một số gia đình Việt cho con học theo mô hình này và đạt được những thành quả nhất định.
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Hạ Ni - Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục, Đại học Leeds (Vương quốc Anh).
![]() |
Chị Nguyễn Thị Hạ Ni - Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục, Đại học Leeds (Vương quốc Anh). |
Thưa chị, xin chị cho biết quan điểm của mình về mô hình cho con tự học ở nhà?
Học tại nhà (homeschooling) là mô hình giáo dục mà ở đó cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ (phần lớn là cha mẹ) đảm nhận trách nhiệm giáo dục con tại nhà thay vì cho con học ở trường.
Ở các nước như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Anh và nhiều nước châu Âu khác… học tại nhà là phương thức giáo dục được pháp luật công nhận. Có nhiều trường hợp chọn học tại nhà ở những mức độ khác nhau, chẳng hạn ban đầu trẻ học ở trường nhưng sau đó thôi học; có những phụ huynh hoàn toàn không đưa trẻ đến trường; cũng có một số ít trường hợp trẻ học ở trường với thời gian linh hoạt, ví dụ 2 ngày ở trường, 3 ngày ở nhà.
Theo tôi, lý do khiến các bậc cha mẹ quyết định chọn cho con học tại nhà khá đa dạng. Thứ nhất, xuất phát từ sự so sánh khả năng của gia đình với nhà trường nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con mình. Cha mẹ thấy có đủ thời gian, kiến thức và kỹ năng thỏa mãn nhu cầu học tập của con tốt hơn nhà trường.
Thứ hai, cha mẹ cho rằng con mình sẽ học tốt hơn nhờ sự quan tâm, thấu hiểu của họ, nhất là khi họ cảm thấy không hài lòng với môi trường học tập ở trường của con.
Thứ ba có thể là lý do về niềm tin, tôn giáo. Cha mẹ cho rằng giá trị, truyền thống gia đình sẽ được duy trì tốt hơn nếu con học tại nhà.
Ở nước ta, gần đây chủ đề homeschooling thu hút sự quan tâm của nhiều người khi báo chí đưa tin về sự thành công của một vài phụ huynh trong lựa chọn giáo dục con tại nhà. Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam có nhiều hạn chế, thậm chí một số mặt bị khủng hoảng như chương trình giáo dục phổ thông chứa đựng nhiều điểm bất hợp lý, áp lực học hành, thi cử, nạn chạy theo thành tích, bạo lực học đường diễn ra nhiều hơn, nhiều trường học chưa tổ chức cho học sinh tham gia vào cuộc sống hiệu quả, trong khi đó trình độ của người dân ngày càng cao, một số phụ huynh đã lựa chọn hoặc có khuynh hướng muốn giáo dục con ở nhà toàn phần.
Tôi nghĩ cha mẹ chọn cho con học ở nhà không phải đơn giản vì họ e sợ, không hài lòng hoặc phê phán, chỉ trích nhà trường mà còn do họ tự nhận thấy hiệu quả của chính họ trong vai trò sát cánh với trẻ.
Có một điểm khá thú vị, khi chủ nghĩa nữ quyền nổi lên và phát triển sâu rộng, nhất ở các quốc gia phương Tây, dường như nó kích thích những phản ứng mạnh mẽ của các gia đình có truyền thống bảo thủ, trong đó các bà mẹ chủ yếu chỉ ở nhà. Tại Anh, nghiên cứu sâu về các bà mẹ đã phát hiện rằng giáo dục tại nhà thường được nhận xét là sự mở rộng các dạng ‘làm mẹ tốt’ một cách tự nhiên.
Ở Anh mô hình này có phổ biến không thưa chị?
Theo trang web chính thức của chính phủ Anh, giáo dục tại nhà nghĩa là cha mẹ có thể dạy con ở nhà toàn thời gian hoặc bán thời gian. Cha mẹ được khuyến nghị thông báo bằng thư cho hiệu trưởng nếu chuẩn bị cho con thôi học ở trường. Trong trường hợp đó, nhà trường buộc phải đồng ý nếu cha mẹ định cho con rời hẳn trường. Trường có thể từ chối nếu cha mẹ chỉ muốn cho con đi học một thời gian nào đó.
Theo luật Anh, cha mẹ phải đảm bảo cho trẻ từ 5 tuổi được giáo dục toàn thời gian nhưng không bắt buộc theo chương trình giáo dục quốc gia. Luật pháp nước này không quy định cụ thể trình độ, bằng cấp cha mẹ cần có để tiến hành dạy con học tại nhà.
Chính quyền sẽ giúp đỡ nếu trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt và cha mẹ muốn giáo dục trẻ tại nhà. Ngoài ra, chính quyền địa phương có thể tiến hành ‘thăm dò không chính thức’ để kiểm tra xem con bạn có đang được giáo dục phù hợp tại nhà không.
Nhà chức trách sẽ gửi yêu cầu đưa trẻ đến trường nếu thấy con bạn cần được học ở trường.
Người ta ước tính đến năm 2014, chỉ riêng Anh (England), chưa kể Scotland, Wales và Bắc Ireland đã có khoảng hơn 27 ngàn học sinh được giáo dục tại nhà. Trong thực tế, con số còn lớn hơn vì nhà chức trách địa phương không biết hết tất cả những gia đình cho con học ở nhà do chính phủ Anh không yêu cầu đăng ký.
Năm 2016, theo thông tin trên trang BBC và Guardian, số lượng học sinh học tại nhà ở England và xứ Wales đã tăng tới 65% trong vòng 6 năm. Mặc dù tổng số người chọn giáo dục tại nhà vẫn còn thấp, chỉ 0.5% trong tổng số học sinh toàn quốc, con số này cũng gợi ra một số nhận xét về những điểm yếu của chính sách giáo dục Anh.
Hầu hết những người cho con học tại nhà cho biết họ không hối tiếc với lựa chọn của mình và tin rằng khuynh hướng giáo dục này sẽ tiếp tục phát triển.
Nếu là chị, chị sẽ cho con học như thế nào?
Về lựa chọn cá nhân, tôi sẽ hết sức thận trọng với mô hình giáo dục tại nhà. Hiện tại tôi không cảm thấy tự tin khi đảm nhận toàn bộ trách nhiệm giáo dục con khi con ở độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, nếu con tôi có nhu cầu đặc biệt, ví dụ con bị tự kỷ, con mắc chứng khó đọc, khó viết hoặc có những khó khăn tâm lý khác, có lẽ tôi sẽ quyết định cho con học tại nhà, bởi vì trong những trường hợp như thế sự ảnh hưởng của cha mẹ nhằm cải thiện tình trạng của con là rất lớn.
Cha mẹ nên thảo luận với con (tất nhiên là nếu con ở độ tuổi đi học và đủ lớn để thảo luận) để con được tham gia quyết định đến trường hay học tại nhà. Theo tôi điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng với cả con và cha mẹ. Nếu con yêu thích đến trường thì cha mẹ không có lý do gì để đưa con về nhà học toàn phần.
Bên cạnh đó, một khi quyết định cho con học tại nhà, cha mẹ sẽ cần học rất nhiều để đồng hành cùng con. Nói như vậy không có nghĩa là nếu trẻ đến trường thì cha mẹ ‘khoán’ tất cả cho nhà trường. Cái tôi muốn nhấn mạnh là nếu xác định học tại nhà là phù hợp nhất cho con mình thì cha mẹ phải tự học, tự trau dồi kiến thức, phương pháp học, làm, chơi, phát triển cùng con. Chọn một gia sư tốt cho con cũng là điều nên làm. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và nguồn tài nguyên học tập phong phú trên Internet ngày nay có thể hỗ trợ phụ huynh và các con khá nhiều.
Mặc dù tôi có thể cảm nhận cái gì là đúng, là tốt cho con mình nhưng việc theo đuổi một hành trình giáo dục trẻ đầy thử thách đòi hỏi tôi phải suy tính khả năng sắp xếp công việc, tài chính, và trên hết là năng lực tổ chức giáo dục của tôi. Trong mọi trường hợp, dù con đến trường hay không đến trường, cha mẹ đều cần học làm hai vai trò cùng lúc: cha mẹ - nhà giáo dục.
Theo chị, Bộ GD&ĐT Việt Nam có nên công nhận đây là mô hình chính thức, các con học homeschooling vẫn được dự thi tốt nghiệp hay xây dựng những chế tài về mô hình này?
Giáo dục tại nhà đang trở nên phổ biến trên thế giới. Do vậy, ngày càng có thêm các nước thừa nhận sự hợp pháp của kiểu giáo dục này. Tôi cho rằng điều này khá dễ hiểu bởi vì các mô hình, các phương thức giáo dục vốn đa dạng và cần được tôn trọng. Bên cạnh giáo dục công lập còn có giáo dục dân lập, tư thục. Giáo dục tại nhà nên được coi là một lựa chọn bình thường.
Bộ GD&ĐT Việt Nam nên công nhận giáo dục tại nhà là một trong những mô hình hợp pháp. Tôi cho rằng, chúng ta có thể học một kinh nghiệm của Anh, đó là nhà chức trách giáo dục địa phương theo dõi, trợ giúp các gia đình nhằm đảm bảo các em được học trong mô hình phù hợp nhất.
Tuy nhiên, tình trạng pháp lý của giáo dục tại nhà không phải là toàn bộ câu chuyện chúng ta đang xem xét. Nó phản ánh rất nhiều vấn đề phức tạp trong quan niệm về vai trò của nhà nước và gia đình trong việc nuôi dạy trẻ em, sâu xa còn là vấn đề triết lý giáo dục.
Chẳng hạn, các bậc cha mẹ có thể bị giằng xé giữa mong muốn một nền giáo dục có tính hướng nghiệp cao để phát triển kinh tế với mong muốn một nền giáo dục tự do, khai phóng cho con cái họ. Hoặc nếu tình trạng ‘học để thi’ và ‘học gì thi nấy’ vẫn tồn tại dai dẳng thì chắc chắn trẻ học tại nhà sẽ gặp nhiều trở ngại, thiệt thòi hơn trẻ học ở trường khi muốn theo đuổi một bằng cấp trong hệ thống giáo dục quốc gia.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!