Giám sát, phòng tai nạn thương tích do bỏng cho trẻ
Bé T.T. T. (4 tuổi) bị bỏng nước sôi được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu do bị cả ấm điện siêu tốc đổ vào người.
Trước đó bé được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại đây bé được phẫu thuật cắt lọc da hoại tử, xử lý vết thương tránh nhiễm trùng.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết sau khi lành bệnh bé phải chịu những vết sẹo chằng chịt, co rút ảnh hưởng đến tâm lý, cũng như chất lượng sống sau này.
BS Đinh Tấn Phương – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, tai nạn bỏng có thể xảy ra với trẻ ở bất cứ môi trường nào từ phòng khách tới phòng bếp.
Sự lơ là, chủ quan của người lớn trong vài phút có thể nguy hiểm tới trẻ nhỏ. Trong các tai nạn thương tích ở trẻ hay xảy ra thì bỏng được xem là tai nạn nguy hiểm thứ hai sau đuối nước. Bỏng thường xảy ra ở ngay tại gia đình, do bất cẩn của người lớn.
Bác sĩ Phương cho biết ở nhà từ sân, phòng khách đến phòng bếp đều tiềm ẩn nguy cơ bỏng cho trẻ. Ví dụ ở sân, bác sĩ hay gặp nhất là tình trạng trẻ bị bỏng bô xe gắn máy.
Trẻ còn có thể bị bỏng ở nhà bếp. Đây là khu vực có nguy cơ bỏng cao. Bởi vì nhà bếp là nơi nấu ăn đôi khi cha mẹ nấu ăn xong rồi, trẻ háo hức chờ thức ăn có thể bất cẩn gây bỏng cho trẻ.
Có nhiều trưởng hợp trẻ vào cấp cứu vì phỏng nước sôi, nước canh. Thậm chí cha mẹ nấu nồi canh để ở bếp con té ngã vào gây bỏng nặng.
Ngoài ra, trẻ bỏng nhiều nhất đó là sử dụng bếp dầu, trẻ bỏng do tai nạn cháy nổ. Vì vậy, khi trẻ ở nhà trong những ngày nghỉ cha mẹ phải hết sức lưu ý.
Khi trẻ bị bỏng nhiều bà mẹ thấy con đau nên tìm mọi cách làm sao để làm mát cho con, nhiều người lấy kem đánh răng bôi vào vết bỏng. Bác sĩ phải rửa vết phỏng khiến trẻ đau vô cùng, nhiều trường hợp bác sĩ phải gây mê, cho trẻ sử dụng thuốc an thần mới có thể làm sạch được vết thương vùng bỏng.
Nếu không làm sạch vết thương vùng bỏng thì nguy cơ nhiễm trùng có thể xảy ra. Vì vậy, bác sĩ Phương nhấn mạnh cha mẹ tuyệt đối không bôi kem đánh răng lên vết bỏng của con.
Không nên sử dụng đắp con dấm (mẻ) nuôi tại nhà hay thoa các thuốc, các chất lên da trẻ bị bỏng. Điều đó gây nhiễm trùng cho trẻ. Các thuốc dân gian tự bào chế thường không được tiệt trùng nên trẻ rất dễ bị nhiễm trùng.
Khi trẻ bị bỏng, cha mẹ cần sơ cứu đúng. Trẻ bỏng bạn dùng nước sạch rửa vết bỏng. Nếu ở nhà có chai thuốc xịt lên vết bỏng làm mát và bảo vệ, sát trùng thì được sử dụng. Còn lại không có thuốc xịt bạn nên chỉ làm sạch bằng nước và đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ sơ cứu đúng cho con.
Bác sĩ Phương khuyến cáo mục đích sơ cứu bỏng là làm trẻ bớt đau nên rửa nước sạch, làm mát bằng nước để giảm đau. Không nên sử dụng nước đá chườm lên vết bỏng. Việc rửa nước sạch đủ làm vết bỏng mát lại, đảm bảo được vô trùng thay vì bôi các loại chất khác có độ bám dính cao.
Khánh Chi