Giảm dần tàu cá khai thác ở vùng biển ven bờ
UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP tiếp tục hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp về đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phương tiện hiện có; đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học - công nghệ vào khai thác, bảo quản sản phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm trên tàu cá, giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị đối với sản phẩm thủy sản từ khai thác; tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo nghề, hướng dẫn ngư dân vận hành các thiết bị hiện đại trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu cá; thường xuyên cập nhật dự báo ngư trường, thông tin kịp thời đến chủ phương tiện khai thác xa bờ.
Tàu đánh cá ở đảo Nam Du chủ yếu gần bờ. |
Cụ thể, giảm dần tàu cá khai thác ở vùng biển ven bờ; khuyến khích phát triển cơ cấu nghề khai thác hải sản xa bờ đối với nhóm nghề lưới vây, lưới rê; giảm cơ cấu khai thác hải sản xa bờ đối với nhóm nghề lưới kéo đáy đơn, lưới kéo đáy đôi, nghề câu; phát triển mô hình cộng đồng quản lý nghề cá cho vùng biển ven bờ huyện Cần Giờ khi có hướng dẫn quy định về quản lý, bảo tồn biển, ven biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm các quy định về bảo vệ và khai thác thủy sản; tăng cường kiểm tra, xử lý việc sử dụng mắt lưới kích thước nhỏ hơn quy định ở loại hình khai thác bằng rập xếp, đăng, đáy và đặc biệt là các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt như chất nổ, xung điện, chất độc…
Trước đó, các tỉnh ven biển phía Nam cũng đã có những bước tích cực trong việc giảm khai thác nguồn hải sản tự nhiên.
Tỉnh Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, có bờ biển dài gần 200km, vùng biển rộng trên 63.000km2 với 143 đảo lớn nhỏ, những năm qua ngành thủy sản đạt giá trị cao. Trong đó, nghề khai thác biển phát triển khá nhanh và nay tỉnh chủ trương giảm 35% sản lượng để nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Sản lượng khai thác biển hằng năm ở Kiên Giang chiếm khoảng 16% tổng sản lượng cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng ĐBSCL. Năm 2015 đạt 493.824 tấn; năm 2017 đạt 765.275 tấn và 6 tháng đầu năm 2018 là 370.450 tấn.
Thực trạng khai thác biển hiện nay, toàn tỉnh có 10.763 tàu cá với tổng công suất 2.726.438 mã lực, công suất bình quân mỗi tàu 253 mã lực. Tính ra, từ năm 2015, số lượng tàu tăng hàng năm 1,33% (năm 2015 mới có 10.322 chiếc). Trong đó, 10.364 tàu khai thác và 376 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong khai thác có gần 20 loại nghề nhưng tập trung chủ yếu ở 4 họ nghề chính: lưới rê, lưới kéo, lưới vây và nghề câu. Lưới rê có hơn 3.598 tàu (chiếm 34% số lượng, 8% công suất); lưới kéo có 3.425 tàu (chiếm 32% số lượng, 76% công suất).
Sản lượng khai thác chủ yếu ở nghề lưới kéo, chiếm trên 75% tổng sản lượng khai thác của tỉnh. Lưới kéo là nghề khai thác không có tính chọn lọc cao nên ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi hải sản. Sản lượng tôm, cá khai thác với cường lực cao đã làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản; chất lượng sản phẩm khai thác không cao, bảo quản sản phẩm chưa được cải thiện. Bên cạnh, số lượng tàu cá hoạt động ven bờ cũng còn nhiều (5.006 tàu), đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi ven bờ.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: “Công tác quản lý nghề cá còn hạn chế, bất cập, thiếu căn cơ, nhất là quản lý về số lượng tàu cá, nghề khai thác, hạn ngạch, tầng suất, trữ lượng khai thác nguồn lợi. Hạn chế do nhiều nguyên nhân song chủ yếu là vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền trên lĩnh vực kinh tế thủy sản còn hạn chế”.
Chủ trương của tỉnh Kiên Giang hiện nay: “Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng trong hoạt động khai thác biển”. Cụ thể, giảm nghề lưới kéo, khai thác ven bờ; phát triển nghề lưới rê theo hướng xa bờ. Giảm sản lượng khai thác từ 765.275 tấn của năm 2017 xuống mức 500.000 tấn vào năm 2020 (giảm gần 35%) và duy trì ổn định. Sản lượng khai thác ven bờ giảm xuống 35% và tăng sản lượng khai thác xa bờ lên 65%. Số lượng tàu khai thác hiện nay 10.763 chiếc, giảm dần xuống còn 10.000 chiếc (giảm 7%). Quan tâm đầu tư hiện đại hóa các trang thiết bị, ngư cụ khai thác, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất cho ngư dân.
Qua đó, sản lượng khai thác biển giảm nhưng chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế tăng, cùng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản để duy trì tốc độ tăng thủy sản hằng năm trên 9%. “Kiên Giang đặt mục tiêu, giá trị thủy sản năm 2020 sẽ chiếm 51,5% GDP”, Bí thư Nguyễn Thanh Nghị nói.