Giảm bội chi ngân sách: Mục tiêu nhiều thách thức
Giảm bội chi ngân sách: Mục tiêu nhiều thách thức
Độc giả nêu câu hỏi tại giao lưu trực tuyến của Bộ trưởng Tài chính với nhân dân chiều 17/1.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, khi xây dựng dự toán năm 2012, chúng ta tính toán, cân đối rất chặt chẽ. Và nếu như đạt được, kết quả cân đối thu chi năm 2012 sẽ rất tích cực, một trong những năm tích cực nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, mục tiêu kéo bội chi ngân sách xuống dưới 4,8% đòi hỏi chúng ta phải rất nỗ lực. Năm 2011, chúng ta đã nỗ lực và với dư địa của năm 2010 chuyển sang, bội chi đã giảm từ mức 5,3% theo Nghị quyết của Quốc hội xuống 4,9% (đã báo cáo Quốc hội).
Tuy nhiên, nhiệm vụ dưới 4,8% trong năm 2012 là rất khó khăn, trong khi chính sách thu không có nhiều thay đổi, chỉ có thuế bảo vệ môi trường và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là chính sách mới, với nguồn thu rất ít.
Về các biện pháp chính, trước hết phải tập trung mọi nỗ lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tổng kết năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ báo cáo khá đầy đủ về các giải pháp tài chính thúc đẩy, phục vụ sản xuất, trong đó có chính sách tài khóa, chính sách thuế… trong bối cảnh lạm phát đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, kinh tế vĩ mô được kiểm soát nhưng vẫn có dấu hiệu bất thường, chưa kể các yếu tố tác động từ kinh tế thế giới, lãi suất chưa giảm như mong muốn… Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa phải chung tay gánh vác với chính sách tiền tệ, có giải pháp quyết liệt để hỗ trợ cho chính sách tiền tệ đạt được mục tiêu sản xuất kinh doanh.
Vấn đề thứ hai, tổng đầu tư công năm nay Quốc hội và Chính phủ đã tính kỹ, chỉ có 180 nghìn tỷ đồng từ ngân sách, 45 nghìn tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ, tức là không tăng so với năm ngoái.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP và giảm bội chi, chúng ta phải hết sức coi trọng việc nâng cao hiệu quả đầu tư công, coi trọng yếu tố tăng năng suất lao động xã hội trong tăng trưởng GDP. Với nguồn vốn như cũ hoặc thấp hơn, nhưng nếu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tính toán tốt “ra tấm ra món”, phát huy được hiệu quả nhanh thì chưa chắc kết quả đã kém hơn.
Cùng với việc hỗ trợ sản xuất, cần tăng cường thắt chặt chi tiêu theo hình thức tiết kiệm điện, nước, vật tư tiêu hao trong quản lý hành chính, cương quyết không bố trí các khoản chi ngoài dự toán, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt liên quan đến an ninh quốc phòng, ứng phó thiên tai, an sinh xã hội…
Và một giải pháp nữa là chống thất thu thuế. Ngoài đề án của Tổng cục Thuế, chúng tôi đã giao Tổng cục Hải quan xây dựng đề án quản lý hàng tạm nhập tái xuất, đặc biệt là quản lý thuế trong lĩnh vực này. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Hải quan tập trung, cương quyết rà soát việc hoàn thuế GTGT, tăng cường các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế….
"Tôi nghĩ với các biện pháp quyết liệt như vậy, mục tiêu Bộ Tài chính hứa trước Quốc hội và Chính phủ là tăng thu từ 5-8% so với dự toán hoàn toàn có thể thực hiện được. Và với tiết kiệm chi, hi vọng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu giảm bội chi xuống mức dưới 4,8%", Bộ trưởng Huệ nhấn mạnh.
Về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lược vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hiệu lực từ tháng 3/2011, chế độ phụ cấp thu hút là 70%,Bộ trưởng Huệ khẳng định, tất cả các chính sách chế độ Nhà nước đã ban hành, chắc chắn sẽ tổ chức thực hiện, không có gì thay đổi.
"Có thể trong giai đoạn hiện nay, vấn đề giải ngân trong quý 1 cũng khá căng thẳng ở một số địa bàn trên cả nước, vì năm nay Tết dương lịch và Âm lịch rất gần nhau, tháng 1 cũng là tháng cao điểm để giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các nhu cầu rút tiền chi tiêu trong dịp Tết. Trong khi đó số thu ngân sách lại không được như những tháng giữa năm. Nên tình hình chi tiêu ở một số kho bạc nhà nước có thể có lúc căng thẳng. Nhưng xét về toàn cục, không có chuyện thiếu tiền. Chính sách chế độ đã ban hành, dứt khoát chúng ta sẽ được hưởng".
Hương Giang