Giải quyết tận gốc "bệnh" lạm phát hơn là quan tâm tới con số
Giải quyết tận gốc "bệnh" lạm phát hơn là quan tâm tới con số
Ông nhận định như thế nào về chỉ số giá tiêu dùng tháng 9?
Có thể nói tốc độ tăng giá của tháng 9/2011 là 0,82% là chỉ số tính theo tháng thấp nhất kể từ tháng 9/2010 đến nay. Trong cả năm 2011 cho đến nay chỉ có 2 tháng có tốc độ tăng giá dưới 1% là tháng 8 vừa qua với 0,93% và tháng 9 này là 0,82%. Đây là tín hiệu tốt cho thấy rằng lạm phát có xu hướng hạ nhiệt, tuy rằng vẫn ở mức cao. Nếu so sánh với cùng kỳ của năm 2010 thì hiện nay lạm phát tính theo năm đã lên tới 22,4% và nếu so với cuối năm 2010 cũng đã lên tới 16,6%, có nghĩa là rất gần với mục tiêu chúng ta đặt ra cho cả năm 2011, cố gắng giữ lạm phát ở mức 18%.
Tháng thứ 2 liên tiếp, lạm phát hạ nhiệt. Liệu đã có thể lạc quan hơn với tình hình lạm phát hiện nay?
Tôi cho rằng nó có sự kết hợp của khá nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật nhất là tác động trực tiếp của việc thực thi Nghị quyết 11 liên quan tới việc thắt chặt các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là thắng chặt CSTT để kiềm chế và kiểm soát lạm phát.
Rõ ràng nếu so với mức 1,31% của tháng 9/2010 thì con số 0,82% là con số khá là tích cực và việc chúng ta thắt chặt khá mạnh chính sách tiền tệ cũng tạo ra những hiệu ứng nhất định và nó như kết quả tất yếu của việc chúng ta thắt chặt chính sách vĩ mô để kìm chế và kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng việc chúng ta tiếp tục chính sách thắt chặt cũng cần phải duy trì trong những tháng tiếp theo bởi như đã nói, hiện chúng ta mới chỉ tập trung vào thắt chặt chính sách tiền tệ. Còn với chính sách tài khóa, việc thắt chặt chưa phù hợp với định hướng, chủ trương chung. Thứ hai, theo chu kỳ thường các tháng cuối năm chỉ số giá có xu hướng lên cao, do đó, việc chúng ta cần tập trung mạnh hơn nữa vào kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm rất là cần thiết .
Chỉ số giá tiêu dùng đang có dẫu hiệu chững lại Ảnh: IT |
Nhóm nguyên nhân thứ hai, chúng ta có thể nhìn vào chính rổ hàng hóa để tính chỉ số giá tiêu dùng có thể thấy vị trí của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bao gồm cả lương thực, thực phẩm chẳng hạn thì trong tháng 9 chỉ tăng 0,28% và với tỷ trọng xấp xỉ 40% trong rổ tính hàng hóa tiêu dùng, rõ ràng đang tác động rất tích cực tới việc tăng thấp hơn của chỉ số giá trong tháng 9. Cần lưu ý là hầu hết các nhóm hàng khác đều có mức tăng là dưới 1% và thậm chí có tín hiệu tích cực như chúng ta chỉ giảm chút ít về giá xăng dầu thôi, cả nhóm giao thông cũng có giảm một chút so với tháng 8 trước đó. Rõ ràng đây cũng là tín hiệu tích cực.
Một dấu hiệu khác cho thấy sự chi phối khá mạnh mặc dù chiếm tỷ trọng không lớn trong rổ hàng hóa tiêu dùng là nhóm giáo dục tăng tới 8,62% và nhóm này có mức tăng thấp so với mức tăng hơn 12% của cùng kỳ (tháng 9/2010).
Tuy nhiên, rõ ràng việc tác động của chỉ số giá tiêu dùng theo thời điểm thì chúng ta chưa rút được bài học trong câu chuyện tác động của từng nhóm chính sách về giá, đặc biệt liên quan đến giáo dục hay y tế… trong rổ hàng hóa tính giá tiêu dùng. Nhìn chung có thể nói, do tác động của thực phẩm có giảm một chút và lương thực không tăng quá cao. Do đó, gần như chi phối toàn bộ trong câu chuyện về mức tăng CPI không phải quá cao trong tháng 9/2011 này.
Từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng nữa, trong khi chỉ tiêu tốc độ tăng CPI chúng ta đặt ra là 18%. Thách thức còn lại là không nhỏ?
Giữ được mục tiêu tốc độ tăng CPI năm nay ở mức 18% là rất khó khăn. Bởi vì, nếu hết tháng 9 so với năm 2010 đã tăng tới 16,6%, tức là mục tiêu của chúng ta so với khoảng cách còn lại là rất ngắn. Tôi cho rằng, chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu giữ được ở mức 18%, ngoại trừ có những biến động khá bất thường.
Ví dụ trường hợp cuối năm 2008, khi chỉ số giá của cả 3 tháng cuối năm 2008 đều có chỉ số không những không tăng mà còn giảm tức là âm. Năm đó chúng ta cũng có lạm phát lên tới mức 20% cho cả năm. Do đó mục tiêu lạm phát giữ ở mức thấp hơn cũng rất khó. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu chúng ta cần trong năm 2011 này không đặt nặng vào chuyện 18%, 20% hay trên 20%.
Chúng ta biết gần đây IMF hay ADB cũng đã đưa ra dự báo lạm phát cho cả năm 2011 là khoảng 18,7 đến 18,8%, tức là cao hơn mục tiêu 18% của chúng ta. Tuy nhiên, tôi cho rằng cái chúng ta cần coi trọng nhất đó là làm sao chúng ta có thể khẳng định rằng chúng ta đã kiềm chế và kiểm soát được lạm phát cho cả năm 2011 và tạo nền tảng cho câu chuyện kiềm chế và kiểm soát lạm phát cũng như ổn định nền kinh tế vĩ mô cho cả năm 2012. Đây mới là điểm quan trọng chứ không phải đặt nặng về các con số.
Để đạt được việc đó, tôi cho rằng việc kiên quyết tiếp tục thực hiện thắt chặt các chính sách như trong Nghị quyết 11 là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hết sức thận trọng trong việc nới lỏng bất kể một chính sách hay thậm chí một bộ phận nào trong chính sách nào đó trong chính sách kinh tế vĩ mô để làm sao không đi ngược lại với mục tiêu chúng ta mong muốn, tức là ổn định kinh tế vĩ mô nói chung cũng như câu chuyện về kiềm chế và kiểm soát lạm phát.
Nguyễn Hoài