Giải pháp nào nếu học sinh hút thuốc lá trong trường học?
Khi được hỏi hỏi thì nhiều em nói các em xem hút thuốc lá như một thú vui, sự khẳng định bản thân. Nhưng các em đâu biết rằng tương lai của các em đang mờ tan dần theo khói thuốc.
Có thể thấy một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng hút thuốc lá ở học sinh ngày càng tăng cao là do môi trường. Các em thường bị bạn bè lôi kéo, muốn chứng tỏ mình là người biết “chơi”, ảnh hưởng bởi kết quả học tập, hoàn cảnh gia đình… Cũng vì tò mò muốn biết xem hút thuốc lá cảm giác sẽ như thế nào. Với tâm lý hút vài điếu sẽ không bị nghiện và dần dần trở thành thói quen không bỏ được.
Các nhà trường tăng cường tuyên truyền về phòng chống thuốc lá cho học sinh |
Là một trong những cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa) cho biết: Để thực hiện mục tiêu nói không với khói thuốc lá, hàng năm vào đầu năm học mới, Ban Giám hiệu đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá".
Cùng với đó nhà trường cũng tập trung vào việc tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá cho cán bộ, giáo viên và học sinh; đánh giá việc thực hiện không hút thuốc lá và thứ hai hàng tuần; đảng viên tích cực đi đầu trong việc bỏ thuốc lá; ban giám hiệu, chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn, bí thư cấp ủy… không hút thuốc lá; tại các cuộc sinh hoạt tập thể của trường, liên hoan đều không sử dụng thuốc lá.
Bên cạnh đó hàng ngày sau mỗi tiết học đoàn thanh niên nhà trường cử người kiểm tra các điểm nóng để phát hiện và ngăn chặn học sinh hút thuốc lá; trong tiêu chí đánh giá cán bộ, giáo viên, người lao động có tiêu chí không hút thuốc lá trong trường học.
Ngoài ra, trước kỳ nghỉ Tết Ban Giám hiệu nhà trường còn tổ chức ký cam kết với học sinh, bí thư đoàn trường, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm xây dựng trường học không khói thuốc lá… Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, trong nhiều năm qua nhận thức của cán bộ, giáo viên, người lao động và các em học sinh trong việc xây dựng môi trường không khói thuốc được nâng lên.
Hiệu trưởng trường THPT Quảng Xương 1 cũng cho biết, nhà trường kiên quyết xử lý vi phạm với những cán bộ, giáo viên nào vi phạm quy định về phòng chống thuốc lá trong môi trường học đường.
Cụ thể, đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên: Vi phạm lần đầu: Nhắc nhở trực tiếp; Vi phạm lần thứ 2: Lập biên bản kèm theo phạt tiền 100.000 đồng); Lần thứ 3 trở lên: Lập biên bản, phạt tiền 200.000 đồng, không xem xét thi đua.
Đối với học sinh: Vi phạm lần đầu: Nhắc nhở, mời phụ huynh học sinh đến trao đổi, khiển trách trước lớp; Vi phạm lần thứ 2: Lập biên bản, mời phụ huynh họp với Hội đồng kỉ luật của nhà trường, khiển trách; Lần thứ 3 trở lên: Lập biên bản, mời phụ huynh học sinh họp với Hội đồng kỉ luật của nhà trường và cảnh cáo.
Còn đối với phụ huynh học sinh và các đối tượng khác: Vi phạm lần đầu: Nhắc nhở trực tiếp; Vi phạm lần thứ 2 trở lên: Từ chối làm việc và hẹn lịch làm việc lần sau.
Được biết, thời gian qua, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn gắn biển phòng, chống tác hại của thuốc lá tại khuôn viên nhà trường, phòng học, hành lang lớp học; đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường về giám sát học sinh tại nơi cư trú.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các em học sinh, các nhà trường còn đưa nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, quy chế nội bộ, tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
Có thể khẳng định, với việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học đã giúp các em học sinh nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá, từ đó không hút thuốc, góp phần bảo vệ sức khỏe, giảm tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học đạt kết quả cao rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, các bậc phụ huynh và toàn xã hội.