Giải pháp hữu hiệu để tăng tiêu thụ nông sản, tránh ‘được mùa, mất giá’
Nếu như năm 2010 mới chỉ có 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì nay, nhóm hàng nông sản đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 6 nhóm hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Dù vậy, ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Điều này thể hiện ở việc tiêu thụ hàng nông sản nước ta liên tục gặp khó khăn và thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Hệ thống phân phối nông sản phần lớn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ tổ chức kém và thiếu liên kết làm tăng rủi ro, chi phí giao dịch, gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh.
Hiện tượng mất cân đối cung cầu đối với nhiều mặt hàng nông sản vẫn diễn ra phổ biến do đặc điểm sản xuất nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, manh mún; hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất. Nông sản sản xuất ra không theo tín hiệu thị trường; khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém, hạ tầng logicstics vừa thiếu vừa yếu; tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường…
Còn ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, việc xây dựng vùng nguyên liệu bền vững bằng phương pháp liên kết sản xuất, gắn với chế biến sâu là vấn đề đã được các cơ quan chức năng, chính quyền quan tâm nhiều năm.
Chẳng hạn, nếu như trước đây về vùng Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang chỉ biết đến thương hiệu của vải thiều thì vài năm nay Lục Ngạn còn trồng được cây vú sữa và đã cho sản phẩm. Hay vùng Cao Phong (Hòa Bình) với thương hiệu cam, nhưng thực tế nhiều vùng khác cũng có thể trồng được cam Cao Phong… Điều này cho thấy, có thể trồng nhiều loại cây thương phẩm ở nhiều vùng đất chứ không chỉ có đặc hữu ở vùng nào.
Song, theo ông Toản, nếu để phát triển các loại cây trồng, sản phẩm một cách tự phát, ồ ạt, không theo quy hoạch thì câu chuyện không chỉ gói gọn trong việc ‘được mùa mất giá, được giá mất mùa’ mà còn đánh mất thương hiệu sản phẩm của các vùng nguyên liệu thế mạnh. Rồi hệ luỵ lớn hơn là xảy ra tình trạng “được giá thì đua nhau trồng, mất giá thì thi nhau chặt” để chuyển đổi sang loại cây trồng khác.
Do vậy, ông Toản cho rằng, cần phải tăng cường liên kết, gắn liền với công tác quy hoạch, gắn với việc đầu tư, chế biến sâu để giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, đồng thời gắn với nhu cầu thị trường, chu kỳ sản xuất, thị trường đầu ra. Đặc biệt, phải tổ chức lại sản xuất, sản xuất an toàn, hình thành chuỗi liên kết theo giá trị nâng cao thu nhập cho nông dân.
Muốn vậy, người nông dân, hợp tác xã cần phải thay đổi tập tục sản xuất, hình thành người nông dân chuyên nghiệp, người nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, truy suất nguồn gốc, sản xuất an toàn theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, Việt Nam cần hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công - nông nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn. Nhất là tăng cường liên kết vùng và tích hợp kết nối chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp, nông nghiệp vào quá trình xây dựng và thực thi quy hoạch phát triển địa phương, vùng và quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho sự chuyên môn hóa địa phương và hợp tác liên vùng trên cả nước.
Đồng thời, cần cơ cấu lại các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp có tính đến lợi thế so sánh của từng địa bàn, vùng theo hướng tăng cường hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng trong nước nhằm thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả hơn.
Khôi Nguyên