Giá xăng dầu hôm nay 3/4: Giá xăng trong nước có thể tăng cùng thế giới
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng, dầu từ 15h hôm nay (3/4) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho hay, trong kỳ điều hành hôm nay (3/4), giá bán lẻ xăng trong nước có thể quay đầu tăng nhẹ theo giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, mức điều chỉnh cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào việc điều hành Quỹ bình ổn giá.
Theo dự báo, giá xăng bán lẻ trong nước vào chiều nay (3/4) có thể được điều chỉnh giảm từ 220-280 đồng/lít. Giá dầu diesel có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ. Giá dầu hỏa có khả năng giảm 380 đồng/lít, giá dầu mazut có thể giảm 190 đồng/kg.
Như vậy, nếu dự báo trên là chính xác, giá các mặt hàng xăng trong nước vào hôm nay sẽ quay đầu tăng nhẹ sau khi giảm tới 780 đồng/lít vào kỳ điều hành trước (21/3). Từ đầu năm đến nay, giá xăng có 4 lần tăng, 3 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay tăng vọt do Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bất ngờ cắt nguồn cung.
OPEC+ vừa có thông báo cắt giảm sản lượng dầu vượt quá 1 triệu thùng mỗi ngày. Đây là động thái bất ngờ và như vậy OPEC chính thức từ bỏ những đảm bảo trước đó rằng tổ chức này sẽ giữ ổn định nguồn cung để duy trì thị trường ổn định. Trong khi đó, Nga cho biết đang cắt giảm từ tháng 3 đến tháng 6 sẽ tiếp tục cho đến cuối năm 2023.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h50' hôm nay (ngày 3/4, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6 được giao dịch ở mức 84,32 USD/thùng, tăng 4,43 USD, tương đương 5,55% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 5 được giao dịch ở mức 79,91 USD/thùng, tăng 4,24 USD, tương đương 5,6% so với phiên liền trước.
Tuần qua, thị trường xăng dầu thế giới khởi sắc. Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu tăng tới 4 phiên, giảm 1 phiên.
Ở phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu đã tăng tới 4-5% do lo ngại thiếu hụt nguồn cung sau khi Iraq dừng xuất khẩu khoảng 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 0,5% nguồn cung dầu toàn cầu, từ khu vực bán tự trị của người Kurd ở phía bắc nước này tới Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm nữa, việc Ngân hàng First Citizens đạt được thỏa thuận mua lại tất cả các khoản tiền gửi và khoản vay của Ngân hàng Silicon Valley giúp giảm bớt những lo lắng về một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.
Đến phiên giao dịch thứ hai của tuần, giá dầu tăng gần 1% nhờ tâm lý rủi ro được cải thiện trong bối cảnh nhà đầu tư đánh giá nỗ lực của các nhà chức trách trong việc trấn an người dân trước những quan ngại về hệ thống ngân hàng thế giới.
Tới phiên giao dịch thứ ba của tuần, giá dầu quay đầu giảm nhẹ do các nhà đầu tư chốt lời và lo ngại thiếu hụt nguồn cung hạ nhiệt.
Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu đã tăng hơn 2% trong bối cảnh dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm và nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi.
Theo dữ liệu từ Oilprice, kết thúc tuần qua, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 79,89 USD/thùng, giá dầu WTI chốt tuần ở mức 75,67 USD/thùng.
So với 1 tuần trước đó, trong tuần qua, giá dầu Brent đã tăng 6,92 USD/thùng, giá dầu WTI tăng tới 8,93 USD/thùng.
Dù giá dầu thế giới tuần qua tăng vọt song cả dầu Brent và dầu WTI đều ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 11/2022, với mức giảm lần lượt là 5% và 2%.
Hạnh Nguyên