Giá thức ăn tăng, lợn hơi giảm, giá thịt vẫn neo cao
Trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng từng ngày thì giá lợn hơi liên tục giảm khiến người chăn nuôi lao đao, lâm vào cảnh thua lỗ. Thế nhưng, trên thị trường, tại cửa hàng thực phẩm và siêu thị, giá thịt lợn vẫn cao chót vót
Giá thức ăn tăng mạnh, giá lợn hơi lại giảm khiến người chăn nuôi có nguy cơ lỗ nặng. |
Giá thức ăn chăn nuôi tăng 10-15%
Dịch bệnh tái phát liên tục, nhất là dịch tả lợn châu Phi khiến người nuôi khó tái đàn, đã thế, giá thức ăn chăn nuôi từ cuối năm 2020 đến nay tăng liên tục, tuy nhiên giá lợn hơi lại giảm khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Chỉ tính riêng trong tháng vừa qua, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 6-7 đợt.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 5, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng giá. Như Công ty Vina miền Bắc thông báo giá mới được điều chỉnh tăng từ 300 đồng – 3.000 đồng/kg tùy loại; tương tự, giá bán các sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm của Công ty TNHH Guyomarc’h - VCN cũng tăng từ 300 - 400 đồng/kg; Công ty Cổ phần ABC Việt Nam cũng thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi cao cấp, mức tăng thấp nhất là 330 đồng/kg, cao nhất là 6.000 đồng/kg, tùy sản phẩm;…
Lý do các doanh nghiệp này đưa ra là do ảnh hưởng của dịch bênh Covid-19 nhiều loại nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển, nguyên liệu nhập khẩu… đều tăng. Hơn nữa, bệnh dịch tả heo châu Phi chưa ổn định khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này tác động lớn đến giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Chị Hòa Hương, 1 chủ chăn nuôi lợn ở Nghệ An cho biết, cuối năm 2020, giá cám hỗn hợp cho lợn thịt là 10,5 nghìn đồng/kg thì hiện nay đã tăng lên hơn 12 nghìn đồng/kg, tăng gần 2.000 đồng/kg.
“Mỗi một con lợn giống có giá 3 triệu đồng, kể từ lúc nuôi đến khi xuất chuồng ăn hết khoảng 10 bao cám (mỗi bao 40kg) hết hơn 4 triệu đồng, chưa kể tới các chi phí như thuốc tiêm phòng, tiền điện… Với tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng như hiện nay thì chi phí từ mỗi con lợn sẽ đội lên khoảng 1 triệu đồng/tạ, cộng với các khoản giống, thuốc thú y… trong khi giá lợn hơi trên thị trường có xu hướng giảm, tính ra chúng tôi không có lãi. Vì thế gia đình tôi dự định nhân đàn nhưng với tình hình giá cám tăng liên tục thế này thì kế hoạch tăng đàn đành tạm hoãn”, chị Hòa Hương chia sẻ.
Cũng theo chị Hòa Hương, với giá cám tăng như hiện nay thì giá lợn hơi xuất chuồng phải từ 75-80.000 đồng/kg thì mới bảo đảm cho người chăn nuôi không lỗ.
Nhiều chủ trại lợn cũng cho biết, với tình hình này, nếu không nuôi, không tái đàn thì lỡ chuồng trại nhưng nuôi thì không biết có thu đủ vốn để trả tiền cám hay không.
Theo khảo sát của PV trên thị trường cho thấy, từ cuối năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi 6-7 lần, mỗi lần tăng từ 200-500 đồng/kg tùy theo loại thức ăn. Đơn cử, mỗi bao thức ăn cho lợn nuôi lấy thịt có trọng lượng 25kg trước đây có giá 350 nghìn đồng/bao thì nay tăng lên 400 nghìn đồng/bao; thức ăn cho lợn nái từ 260 nghìn đồng/bao 25kg, nay có giá 290 nghìn đồng/bao.
Cục Chăn nuôi cho biết, từ tháng 10/2020, giá các loại nguyên liệu chính của thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng, đến thời điểm hiện nay đã tăng trung bình từ 30-35%, tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm chỉ bắt đầu tăng nhẹ từ tháng 12/2020 đến nay khoảng từ 10-15%.
Trong khi giá lợn hơi giảm thì giá thịt lợn ở siêu thị và cửa hàng thực phẩm vẫn rất cao. |
Giá lợn hơi giảm, giá thịt lợn ở chợ và siêu thị vẫn cao chót vót
Trong khi giá thức ăn tăng, giá lợn hơi lại quay đầu giảm.
Theo khảo sát của PV, giá lợn hơi ngày 19/5 vẫn có xu hướng giảm. Theo đó, giá lợn hơi tại miền Bắc dao động từ 64.000 – 70.000 đồng/kg; khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, dao động trong khoảng từ 65.000 - 70.000 đồng/kg; còn ở miền Nam, giá lợn hơi trong khoảng 67.000 - 72.000 đồng/kg.
So với thời điểm giữa tháng 4/2021, giá lợn hơi ở các tỉnh miền Bắc dao động từ 75.000 - 77.000 đồng/kg nhưng gần 1 tháng nay, giá lớn hơi đã sụt giảm, giá cao nhất ở mức 70.000 đồng/kg, có nơi chỉ từ 65.000 - 67.000 đồng/kg.
Đơn cử như ở Nghệ An, cách đây 1 tuần, giá lợn hơi trong dân vẫn được các thương lái trả trên mức 70.000 đồng/kg thì nay đã giảm xuống dao động từ 62.000 - 67.000 đồng/kg.
Thời điểm này năm ngoái, giá lợn hơi cán mốc 100.000 đồng/kg, so với hiện nay giá lợn hơi trên cả nước giảm từ 23.000 - 26.000 đồng/kg
Nguyên nhân khiến giá lợn hơi sụt giảm trong thời gian qua là do nguồn cung thịt lợn trong nước đã được đảm bảo, nhiều hộ nuôi không xuất hiện dịch bệnh trên đàn gia súc liên tục tái đàn, đồng thời, một lượng thịt lợn nhập khẩu về khiến cho nguồn cung thịt lợn trong nước dồi dào hơn.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là từ đầu tháng 5/2021 đến này, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động đến thị trường. Theo đó, nhiều nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là các điểm du lịch trong nước tạm dừng hoạt động khiến nhu cầu tiêu thụ thịt lợn cũng giảm mạnh.
Điều đáng nói là, trong khoảng 1 tháng gần đây, giá lợn hơi liên tục giảm nhưng giá thịt lợn ở cửa hàng thực phẩm và siêu thị vẫn neo cao.
Nhất là giá thịt lợn ở các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi cao ngất ngưỡng. Tại TP.HCM, một số cửa hàng thực phẩm niêm yết giá sườn non là 165.000 đồng/kg, thịt ba chỉ có giá 150.000 đồng/kg, nạc thăn 130.000 đồng/kg; tại các siêu thị trong TP, giá thịt lợn so với hồi đầu năm không suy giảm. Như thịt lợn đùi 152.000 đồng/kg, ba chỉ 192.000 đồng/kg, chân giò rút xương 160.000 đồng/kg, thịt nạc dăm 210.000 đồng/kg, thịt xay 200.000 đồng/kg, thịt vai 175.000 đồng/kg…
Tại các siêu thị ở Hà Nội, thịt ba chỉ có giá 187.900 đồng/kg; xương ống có giá 42.900 đồng/kg; thịt nạc thăn 165.900 đồng/kg; sườn thăn 270.900 đồng/kg; chân giò rút xương 156.900 đồng/kg… Thậm chí, một số cửa hàng thực phẩm bán giá thịt chân giò lợn lên đến 226.000 đồng/kg.
Thời gian tới, giá lợn hơi có thể tăng lên, dao động quanh mốc 80.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá lợn hơi ở mức khoảng 75.000 đồng/kg là hợp lý nhất bởi mức giá này sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích cho người chăn nuôi bởi hiện nay chi phí thức ăn chăn nuôi và dịch vụ an toàn sinh học tăng, kéo theo chi phí chăn nuôi cũng cao hơn trước đây.
Giá con giống từ 2,5 - 3 triệu đồng/con, ngoài ra, chi phí chăn nuôi khoảng từ 45.000 - 70.000 đồng/kg nên để người chăn nuôi có lời thì giá lợn hơi cần ở mức tối thiểu 75.000 đồng/kg.
Song trên thực tế, dù giá lợn hơi có ở mức 75.000 đồng/kg nhưng nếu giá thức ăn chăn nuôi vẫn không giảm mà tiếp tục tăng thì người chăn nuôi lợn vẫn lo ngại họ vẫn bị thua lỗ bởi thức ăn chăn nuôi chiếm ít nhất 70% giá thành các sản phẩm chăn nuôi.
Giá thịt lợn hơi giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong nhiều tháng qua khiến người chăn nuôi đối mặt với thua lỗ buộc phải bỏ chuồng.
Nghịch lý là, giá lợn hơi tuy giảm song giá thịt lợn thành phẩm trên thị trường lại không hề giảm. Người chăn nuôi bị thua lỗ còn người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn giá cao. Vậy ai sẽ là người được hưởng lợi từ nghịch lý này?
Hải Yến
Đại gia thịt lợn, thịt gà thu nghìn tỷ từ bất động sản
Bộ phận kinh doanh bất động sản, dịch vụ xây lắp và các hoạt động khác đem về nguồn thu 1.259 tỷ đồng (bao gồm cả số thu nội bộ) cho Dabaco trong năm 2020.