Mứt gừng giữ ấm tì vị cho mùa lạnh
Tiết trời se lạnh này, vài cơn cảm mạo có thể bất ngờ ập đến, xen lẫn nỗi lo về COVID-19 là cái cớ để làm mẻ mứt gừng.
Ngay từ đầu mùa đông với tiết trời se lạnh và mùa gừng đã tới, nhiều người đã rục rịch làm mẻ mứt gừng vàng tươi để thưởng thức.
Gừng vốn là loại củ gia vị quen thuộc trong nấu ăn của người Việt. Năm nay, cùng với sả và chanh, gừng là loại thực phẩm được săn lùng nhiều nhất từ đầu mùa dịch đến tận bây giờ. Việc nấu nước gừng - sả - chanh xông hơi diệt khuẩn sau khi đi ra ngoài về để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đã là việc rất quen thuộc. Mùa đông, cùng với sự thay đổi khí hậu, gia tăng không khí lạnh, khô, việc sử dụng gừng để giúp cơ thể tránh cảm lạnh, phòng ngừa các chứng rối loạn tiêu hóa, giữ ấm tì vị lại càng được quan tâm hơn. Nếu không quen với việc ăn gừng tươi hoặc uống trà gừng tươi, ta có thể thay thế bằng vài lát mứt gừng, nhấp cùng nhụm trà nóng vào những buổi sáng se lạnh sẽ rất tốt cho cơ thể.
Món mứt gừng cay, thơm giúp giữ ấm, giảm ho tốt cho mùa lạnh - Ảnh: T.H.T |
Mấy hôm nay, cùng với các loại rau củ quả tươi xanh khác, các chợ đang bày bán rất nhiều tai gừng tươi múp: gừng sẻ Huế, gừng bánh tẻ, gừng ta… Tháng này, làng nghề làm mứt gừng nguyên củ xứ Bình Dương cũng đã nổi lửa sên gừng chuẩn bị hàng bán tết.
Các làm mứt gừng không quá cầu kỳ, nhưng cũng khá đỏng đảnh. Gừng là loại gia vị “nóng tánh”, nóng ngay từ lớp vỏ. Nếu quên mang bao tay khi cạo vỏ gừng, tay có thể phồng rộp cả buổi vì sức nóng hừng hực của loại củ thơm lừng này. Gừng cũng khá đắng, chát. Nhưng không sao, cạo gừng xong, thảy vô thau nước lạnh vắt thêm trái chanh tươi, thêm nhúm muối hột, ngâm chừng dăm mười phút để rửa sạch. Rồi cũng nhúm muối hột đó, xốc đều thau gừng, ủ cỡ nửa giờ cho gừng nhả bớt vị đắng chát rồi mang ra rửa lại. Sau khi xả hết nước muối, ngâm gừng vào nước vo gạo độ 4 giờ đồng hồ. Nước vo gạo giúp tẩy màu thâm cho gừng cực tốt. Gừng sau khi ngậm no nước vo gạo sẽ trở nên mềm mại, trắng tươi hơn.
Gừng làm mứt ngon là gừng sẻ Huế hoặc gừng bánh tẻ - Ảnh: T.H.T |
Trước khi ướp đường, gừng phải được luộc kỹ khoảng 2 lần trở lên, mỗi lần chừng 15 phút. Nếu là gừng bánh tẻ, những lát gừng sẽ vàng ruộm lên. Miếng mứt gừng ngon là màu vàng đều, không xơ, không đắng và không bị nát khi sên. Luộc gừng chính là khâu quan trọng giúp lát gừng không bị giòn, vỡ nát khi sên lâu.
Gừng sau khi luộc xong mang ướp đường tỉ lệ 1kg gừng : 0,5kg đường. Ướp gừng từ 4 giờ đồng hồ trở lên, tốt nhất là để qua đêm cho gừng ngậm no đường mới mang đi sên.
Mẻ mứt gừng thơm lừng trên bếp - Ảnh: T.H.T |
Canh lửa chính là khâu quyết định việc thành bại của mẻ gừng. Gừng chỉ nên sên với lửa vừa và nhỏ. Khi nước đường sệt lại và có hiện tượng “lại đường” thành những vệt phấn trắng trên mặt chảo thì phải đảo nhanh tay và gỡ tơi các lát mứt ra để giúp dễ bong đường. Gừng có tính nóng, nhanh khô. Tắt bếp ngay khi mặt lát gừng vừa ráo, đảo liên tục khoảng 15 phút, mẻ gừng sẽ lên đường rất đều và đẹp mắt. Sau đó, gừng cần được mang sấy thêm nửa giờ trong lò sấy hoặc để khô tự nhiên, nguội hẳn trước khi cho vào lọ để dùng dần.
Mứt gừng nhấp cùng ngụm trà chát trong cái se lạnh đầu đông thật thi vị - Ảnh: T.H.T |
Mứt gừng dùng mức độ vừa phải có tác dụng tiêu độc, chữa cảm lạnh, đau bụng, đầy hơi, nôn mửa, ho có đàm, giảm cảm giác thai nghén khó chịu… Ngoài ra, gừng còn giúp giảm triệu chứng chuột rút, khó tiêu, giảm mỡ trong máu và hạ huyết áp, giảm đau, kháng viêm rất tốt.
Cách làm mì sủi cảo Trung Quốc đổi vị cuối tuần
Mì sủi cảo là món ăn xuất xứ từ Trung Hoa được nhiều người Việt yêu thích bởi từng sợi mì dai dai kết hợp cùng miếng sủi cảo mềm thơm, hấp dẫn.
Theo www.phunuonline.com.vn