Tin rằng 'sữa mẹ muôn năm', nhiều bà mẹ cho con bú tới tuổi dậy thì?
Nhiều bà mẹ có niềm tin mù quáng rằng sữa mẹ là tốt nhất cho sức khoẻ và sự phát triển của trẻ nên sẵn sàng cho con bú lâu, thậm chí có bà mẹ cho con bú tới 18 tuổi.
Trên mạng xã hội chia sẻ rầm rộ câu chuyện bà mẹ ở Vũng Tàu cho con bú tới năm 9 tuổi. Câu chuyện trên gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng đó là sự hi sinh tuyệt vời của người mẹ để mang lại những gì tốt nhất cho con. Họ tin rằng “sữa mẹ muôn năm”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người phản đối cách nuôi con bằng sữa mẹ khi trẻ tới 9, 10 tuổi.
BS Nguyễn Thanh Sang – admin diễn đàn 'Bác sĩ Yêu con nít' cho rằng sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đến nay các bác sĩ hay cả tổ chức y tế Thế giới WHO đều khuyến cáo trẻ nên bú mẹ sớm nhất trong giờ đầu sau sinh và bú mẹ hoàn toàn tới 6 tháng tuổi, sau đó, bé song song bú mẹ và ăn dặm bổ sung thêm để đạt tốc độ tăng trưởng.
Những trường hợp không có sữa mẹ thì có thể dùng sữa công thức vì có những bà mẹ cơ địa không tiết ra sữa hoặc có bà mẹ hôn mê, biến chứng sau sinh thì con phải ăn sữa công thức. Nếu cố chờ sữa mẹ về, kích để có sữa mẹ thì trẻ đói, hạ đường huyết.
Một số hội nhóm hiện nay đang quá “cuồng” sữa mẹ, họ chỉ trích những người mẹ không có sữa cho con. BS Sang từng gặp trường hợp 18 tuổi còn bú mẹ, nhưng đó là cả 2 mẹ con đều có vấn đề về tâm lý và từ chối sự hỗ trợ của chuyên viên tâm lý.
Đến nay WHO hay Uniceff đều khuyến cáo: “Trẻ em nên bú mẹ ngay trong giờ đầu tiên sau sinh, bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu và duy trì tới 2 tuổi hoặc lâu hơn. Lâu hơn là bao nhiêu tuổi thì không biết, nhưng họ chỉ nhắc đến yếu tố tâm lý của đứa trẻ nếu được bú mẹ thì chúng sẽ cảm thấy “an toàn và thoải mái”.
Nhiều bà mẹ cho con bú tới 9, 10 tuổi. |
Những đứa trẻ quá bám mẹ, 8-9 tuổi còn ngang nhiên bú mẹ chắc chắn tâm lý lệ thuộc rất lớn, bạn bè trêu chọc sẽ khiến tự ti, mất hoà nhập xã hội… và chuyện này ảnh hưởng đến tâm lý cả đời của trẻ. BS Sang cho rằng nuôi một đứa trẻ là nuôi cả thể xác và tâm hồn. Đừng quá chăm chăm vào sữa mẹ rồi cho nó là tất cả.
BS Nhi khoa Trương Hoàng Hưng – Bác sĩ tại Texas, Hoa Kỳ, cũng cho rằng sữa mẹ là sữa tốt nhất cho trẻ. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hợp lý nhất, có nhiều kháng thể và kháng viêm, giúp trẻ có nhiều sức đề kháng hơn và phòng ngừa nhiều bệnh.
Nhưng sữa mẹ cũng có khuyết điểm của nó như là lượng vitamin D và vitamin K rất thấp. Nó cũng chỉ là chất dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ chứ không phải là thuốc tiên.
Tuy nhiên, không nên quá thần thánh, coi sữa mẹ là thần dược. Vì nhiều trường hợp nuôi sữa mẹ bé không tăng trưởng thì phải dùng thêm sữa công thức.
BS Hưng cho biết anh từng điều trị cho bà mẹ không đủ sữa, bé lên cân rất ít dù đã một tháng và đã được tư vấn và tái khám nhiều lần. Bác sĩ phải mất rất nhiều công sức mới thuyết phục được mẹ cho ăn thêm sữa công thức sau khi bú mẹ. Cuối cùng, em bé tăng cân theo mức cần thiết và có thể ngưng sữa công thức nếu sữa mẹ đáp ứng đủ cho bé. Nếu trường hợp này quá cuồng sữa mẹ dù bé không phát triển nhưng vẫn “anti” sữa công thức thì đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng.
Bởi vì, não trẻ em khi sinh ra đã thành hình, nhưng mới chỉ là phần thô, phần chi tiết bên trong vẫn tiếp tục phát triển hoàn thiện cho tới 2 năm sau khi sinh, nhất là 6 tháng đầu đời. Nếu không đủ dinh dưỡng kéo dài, có thể gây ảnh hưởng tới não bộ, gây khiếm khuyết trầm trọng.
Cho con bú tới 9, 10 tuổi, bác sĩ Hưng cho rằng, đó là cách nuôi con kiểu cuồng. Thực tế, trẻ con sau 2 tuổi ăn là chính, sữa là phụ. Trẻ có bú thêm sữa mẹ cũng như uống sữa, không có gì khác biệt đáng kể. Trên hai tuổi bú thì ít và vui là chính. BS Hưng cho rằng trẻ con tới 4 tuổi là bắt đầu hình thành nhận thức về giới tính và sự tò mò về giới tính sẽ tăng dần theo thời gian. Nếu bà mẹ cuồng quá nó thành lệch lạc.
Phương Thúy
Cách 'ăn dặm cho no' phổ biến này có thể hạn chế phát triển IQ của trẻ nhỏ
Dinh dưỡng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển trí não của con người, nhất là trẻ nhỏ. Bác sĩ nhi khoa đã chỉ ra các phương pháp cho trẻ ăn dặm để không làm giảm trí thông minh của trẻ.