Đau lòng cảnh bé trai gào khóc giãy giụa chạy trốn bố sau phiên tòa ly hôn
Những đoạn clip ghi lại hình ảnh giành con sau một phiên tòa ly hôn đang lan truyền trên mạng xã hội khiến người xem không khỏi đau lòng.
Theo clip, sau phiên tòa ly hôn, một bé trai mặc áo đỏ khóc chói tai, liên tục chạy cuống quýt, giãy giụa thoát khỏi vòng tay của bố khi người bố này đang tìm cách đưa bé về nhà sống chung cùng gia đình bên nội.
Người chia sẻ clip lên mạng xã hội viết:
"Còn lại gì sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ?
Một cặp vợ chồng đã có 2 con chung nhưng do mâu thuẫn càng ngày càng lớn, họ dắt nhau ra Tòa. Hôm nay, Tòa phán quyết con gái lớn theo mẹ và con trai nhỏ 7 tuổi sẽ theo bố.
Thế nhưng sự việc xảy ra sau đó lại khiến nhiều người chứng kiến phải đau lòng bởi trước cổng tòa án, bé trai liên tục gào khóc, giằng co muốn thoát khỏi vòng tay của bố và ông bà nội. Sự phản kháng của em khiến cho 2 bên nội ngoại xảy ra tranh chấp đến suýt xô xát trước cổng Tòa án.
Người ta hay hỏi, còn lại gì sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ, có lẽ nửa già các cặp vợ chồng đều sẽ nói chính là những đứa con. Biết rằng ai cũng có nỗi khổ riêng và chia tay là cách tốt nhất, nhưng hãy ngồi xuống để bàn về tương lai cho những đứa con của mình, để bù đắp cho con, để dành cho con những điều tốt đẹp nhất giúp con hiểu dù ở với ai mình cũng sẽ không thiệt thòi.
Chứ như thế này buồn lắm".
Được biết, đây là những hình ảnh diễn ra tại Thái Bình, sau khi phiên tòa ly hôn kết thúc, bé trai được giao cho người bố nuôi dưỡng. Tuy nhiên cách hành xử của những người lớn có lẽ đã khiến cho tâm hồn non nớt của con trẻ bị tổn thương một cách nặng nề.
Một đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý bởi chuyện này tới khi nào? |
Bài đăng về tình cảnh trên đã thu hút hàng chục nghìn lượt bày tỏ cảm xúc, bình luận và chia sẻ từ cộng đồng mạng.
Phần lớn cư dân mạng cho rằng cách hành xử của người trong cuộc như vậy là không nên, sẽ làm tổn thương tâm lý cháu bé.
Một số người từng trải qua tuổi thơ đau đớn như vậy thì cho rằng cần phải xem xét lại luật về việc phân chia trách nhiệm nuôi dưỡng con sau ly hôn để đảm bảo đứa trẻ được phát triển tâm sinh lý một cách tốt nhất.
Những bình luận nổi bật của cư dân mạng:
"7 tuổi. Bằng đúng tuổi mình năm ấy. Năm mà cả quảng đời sau này sẽ chẳng bao giờ được ở cùng bố và mẹ nữa. Mình thì không có ai giành giật, nhưng ngày đó mình sợ bố mình và sợ bên nội nhà mình lắm. Thấy bố là thót tim bỏ chạy. Giờ thì già rồi, những tổn thương tuổi thơ chẳng bao giờ xóa được";
"Mình cũng từng trải qua hoàn cảnh này. Nhìn cảnh con khóc theo mẹ mà không được ở cạnh mẹ, xót xa lắm. Toà chia đôi mỗi người nuôi 1, lúc đó con còn nhỏ lắm, chỉ muốn ở cạnh mẹ, mỗi lần cho em lên thăm chị, hay đón bé chị về là con chỉ khóc muốn ở với mẹ. Đau lòng lắm, chỉ tại người lớn mà con trẻ khổ";
"Thương bé thật sự, xem là chảy nước mắt. Bố mẹ nên ngồi lại xem bé muốn ở với ai vì bé còn nhỏ tuổi nhưng cũng đủ nhận biết để ghi nhớ, cứ giằng co như vậy rất ảnh hưởng tâm lý về lâu dài của con trẻ. Và cho trẻ hiểu rằng dù ở với ai bé vẫn được sự quan tâm của cả 2 bên gia đình. Nếu toà xử ở với bố nhưng bé không đồng ý mẹ có thể làm đơn lên đề nghị xem xét lại. Hãy nghĩ cho tương lai của đứa trẻ, đừng nghĩ cho cá nhân mình hỡi các ông bố bà mẹ ích kỷ";
"Để con sống với ai mà còn thấy đầy đủ yêu thương, tin cậy để có thể lớn lên mà chịu ít tổn thương nhất đi. Đừng vì ích kỉ cá nhân mà cố giành giật. Làm bố mẹ đã không cho con một mái ấm trọn vẹn là tội lớn nhất rồi, đừng cố làm con đau nữa";
"Tốt nhất nhà có 2 chị em thì để 1 bên vợ hoặc chồng chăm là tốt nhất. Để 2 chị em chơi với nhau cho đỡ buồn, còn tách chúng ra sẽ thiệt thòi đủ thứ. Nếu phận làm cha mẹ hiểu được ai chăm con tốt sẽ nhường cho người đó chăm, khi chúng lớn hơn và hiểu được rồi sẽ đón về sau cũng chưa muộn";
"Thương em, còn nhỏ phải chứng kiến cảnh này. Mâu thuẫn của bố mẹ người đáng thương nhất là các em. Bước ra khỏi toà án xong vẫn nên để con về cùng người mà nó muốn. Sau vài hôm, vài tháng rồi có thể thuyết phục đưa nó về dần với bên được toà xử. Không nên làm ra kiểu như bắt cóc vậy. Con người chứ không phải đồ vật";
"Theo mình pháp luật phải thay đổi, phải tôn trọng niềm hạnh phúc của trẻ thơ. Con muốn ở, muốn sống cùng ai là sẽ xử như thế. Có vậy con mới có thể hạnh phúc vui vẻ mà phát triển tâm lý một cách bình thường được";
"Nhìn con mà thương. Suy cho cùng hãy nghĩ cho con trẻ. Ở với ai không quan trọng mà quan trọng ở với người nào mà con thấy vui vẻ và hạnh phúc là được".
Xôn xao clip 'đánh ghen' kỳ lạ: Chồng quỳ lạy khi bắt gặp vợ ôm nhân tình ngoài đường
Một đoạn clip vừa được chia sẻ lên mạng xã hội khiến cư dân mạng xôn xao vì hành động của anh chồng khi bắt gặp vợ đi với nhân tình.
* Không copy nội dung bài viết dưới mọi hình thức khi chưa được Infonet chấp thuận bằng văn bản!
Lam Giang
Clip: MXH