Gặp thầy giáo Hàn Quốc xây dựng bảo tàng Côn trùng tại Việt Nam
Tọa lạc tại Nhà A11 của trường ĐH Đà Lạt, bảo tàng Côn trùng với hơn 2.000 loại mẫu côn trùng đang được lưu giữ.
Bảo tàng được bắt đầu thành lập vào tháng 9/2014 bởi TS Lee Hyun Suk, chuyên ngành Kỹ thuật Côn trùng (Insect Technician), giảng viên người Hàn Quốc tại khoa Sinh học, trường ĐH Đà Lạt.
Bảo tàng Côn trùng thú vị
Bắt nguồn từ niềm đam mê với côn trùng và mối duyên với đất nước Việt Nam, đặc biệt là vùng đất Tây Nguyên – Lâm Đồng, TS Lee Hyun Suk đã chọn trường ĐH Đà Lạt làm nơi dừng chân và bắt đầu những nghiên cứu của mình về các giống côn trùng tại địa phương và trên cả nước. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc, TS Lee cùng với khoa Sinh học của trường ĐH Đà Lạt đã tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị để mở rộng khu vực thu thập, tiến hành làm tiêu bản và bảo quản các loại côn trùng với điều kiện tốt hơn.
TS Lee Hyun Suk trong bảo tàng Côn trùng do mình thành lập. (Ảnh: NVCC)
Các mẫu côn trùng đang lưu trữ và trưng bày tại bảo tàng Côn trùng chủ yếu được thu thập từ các vùng khác nhau trên khắp Việt Nam và nhiều nhất là tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên với tiêu bản của gần 2.000 loài côn trùng gồm nhiều bộ như: Cánh phấn, cánh cứng, chuồn chuồn, ve sàu, cánh thẳng, bọ ngựa, bọ que... Hầu hết các mẫu vật hiện lưu trữ tại bảo tàng đều có chất lượng tốt.
TS Lee Hyun Suk trong phòng nghiên cứu của bảo tàng Côn trùng.
Các bộ mẫu trong bảo tàng Côn trùng được sử dụng trong phục vụ nghiên cứu, đào tạo, hướng tới phục vụ giáo dục cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế. TS Lee Hyun Suk cho biết: “Với hàng nghìn vật mẫu côn trùng được lưu trữ và trưng bày, bảo tàng Côn trùng từ trước đến nay đã cung cấp vật mẫu cũng như đối chiếu vật mẫu cho các hoạt động nghiên cứu về các lĩnh vực khoa học sự sống, đặc biệt là các nghiên cứu về côn trùng học, hệ thống học và phân loại học, sinh học quần thể, quần xã, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn giữ được vai trò là “phòng thí nghiệm” tự nhiên tốt nhất phục vụ cho giảng dạy và đào tạo của khoa Sinh học và của trường ĐH Đà Lạt”.
Vượt qua những rào cản
Nói về khó khăn trong quá trình thành lập bảo tàng Côn trùng, TS Lee Hyun Suk chia sẻ: “Có hai khó khăn chính trong quá trình thành lập bảo tàng Côn trùng là về nguồn nhân lực và về quỹ tài chính. Việc thành lập bảo tàng cần rất nhiều công sức, kinh phí, thời gian và nhân lực. May mắn, Viện Tài nguyên Sinh vật Quốc gia Hàn Quốc đã có hỗ trợ một khoản quỹ để đồng nghiên cứu. Dựa trên sự hỗ trợ của họ, tôi có thể thành lập bảo tàng côn trùng cấp cơ bản ở trường ĐH Đà Lạt. Về nguồn nhân lực, việc đào tạo sinh viên phân loại côn trùng cho bảo tàng thường mất thời gian. Chúng tôi cần nỗ lực không ngừng trong cả hai vấn đề trong tương lai”.
Các mẫu côn trùng đang lưu trữ và trưng bày tại bảo tàng Côn trùng.
TS Lee Hyun Suk cho biết thêm, Việt Nam có tính đa dạng cao về côn trùng, tuy nhiên sự đa dạng này vẫn chưa được khám phá hết. Là một nhà phân loại côn trùng, TS Lee Hyun Suk quan tâm đến sự đa dạng côn trùng của Việt Nam. “Đây là cơ hội thú vị để thực hiện nghiên cứu về sự đa dạng của chúng và suy ra các mối quan hệ phát sinh của loài. Vì vậy, tôi quyết định nghiên cứu về sự đa dạng côn trùng của Việt Nam. Sau đó tôi chọn trường ĐH Đà Lạt vì Đà Lạt thuộc vùng cao nguyên, có tính đa dạng sinh học cao và độc nhất ở Việt Nam. Bảo tàng côn trùng rất cần thiết để nghiên cứu về sự đa dạng và lưu giữ những mẫu vật đa dạng cho các nhà nghiên cứu tương lai của Việt Nam”, TS Lee Hyun Suk bộc bạch.
Không gian của bảo tàng Côn trùng, trường ĐH Đà Lạt.
Nhận xét về những sinh viên Việt Nam đang theo học tại khoa Sinh học trường ĐH Đà Lạt, TS Lee Hyun Suk nói: “Một số sinh viên còn ngại bày tỏ ý kiến của mình vì trình độ tiếng Anh của họ chưa đủ tốt. Nhưng một số sinh viên khác cũng đã có khả năng trình bày tốt các vấn đề bằng tiếng Anh. Các bạn cũng thông minh và độc lập. Bất cứ khi nào tôi nhìn thấy khả năng giải quyết một số vấn đề của họ trong lớp, tôi ngưỡng mộ tiềm năng vô tận của các bạn”.
"Trong tương lai, bảo tàng Côn trùng mong muốn được mở cửa, trở thành nơi tham quan học tập của học sinh các cấp, của sinh viên và của mọi người dân. Thông qua các hoạt động giới thiệu tại Bảo tàng, trường ĐH Đà Lạt và cá nhân tôi mong muốn phổ biến, tuyên truyền các kiến thức sinh học cơ bản, giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu quý sinh vật – tài nguyên quý giá của quốc gia, nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường", TS Lee Hyun Suk chia sẻ.
Hà Chi
Theo svvn.tienphong.vn