Gấp quần áo thuê, nuôi ruồi và những nghề kỳ lạ nhưng đem lại thu nhập hàng triệu đồng/ngày
Tỷ lệ thuận với mức thu nhập cao ngất ngưởng của những công việc này chính là yêu cầu khắt khe.
1. Gấp quần áo thuê
Ngày càng nhiều người thẳng tay đầu tư vào khoản ăn mặc với vô số hàng hiệu, quần áo xa xỉ như một cách khẳng định đẳng cấp, địa vị. Vì vậy mà vài năm trở lại đây đã xuất hiện một công việc mới là sắp xếp tủ quần áo cho những cá nhân, gia đình có điều kiện.
Ở Việt Nam, công việc này vẫn còn lạ và ít người làm nhưng thu nhập không ít chút nào. Theo đó, thù lao cho công việc này rơi vào khoảng 250.000 - 400.000 đồng/ người/ giờ. Thông thường các nhân viên phải mất nhiều tiếng đồng hồ, thậm chí cả ngày trời để dọn dẹp tủ đồ và gấp quần áo nên số tiền mà khách hàng bỏ ra cũng phải tiền triệu.
Nghe thì có vẻ việc nhẹ lương cao nhưng thực tế công việc này không hề đơn giản mà đòi hỏi rất nhiều sự chuyên nghiệp, tỉ mỉ và chỉn chu. Bởi lẽ những người gấp quần áo thường phải làm việc với khách hàng là người có tiền và trực tiếp xử lý những món đồ xa xỉ.
Vì vậy không chỉ có yêu cầu biết cách lau dọn, cách gấp, cách móc treo từng loại quần áo, những người dọn dẹp, gấp quần áo còn phải am hiểu về chất liệu vải, cách bố trí sắp xếp khoa học để quyết định gấp và treo đồ như thế nào cho hợp lý.
2. Săn trứng kiến
Không còn quá xa lạ ở nước ta nhưng săn trứng kiến vẫn là công việc được nhiều người chú ý. Hiểu nôm na, đây là việc tìm những tổ kiến và tách lấy trứng kiến để bán hoặc chế biến thành món ăn như xôi trứng kiến, chả trứng kiến, nấu cháo,...
Ở Việt Nam, nghề săn trứng kiến và các món ăn từ nguyên liệu đặc biệt này xuất hiện ở nhiều tỉnh thành: Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, 1 số tỉnh miền núi phía Bắc,... Hiện 1kg trứng kiến có giá khoảng 300.000 - 400.000 đồng nên mỗi ngày, thợ săn trứng kiến có thể thu về tiền triệu.
Tuy nhiên đây cũng là công việc khá gian nan và kỳ công. Đầu tiên để lấy được tổ kiến xuống, người đi săn phải trèo lên những cành cây cao. Trong trường hợp quá cao và không thể trèo, người ta chuyển sang dùng sào, nhẹ nhàng đưa tổ kiến xuống. Sau khi hạ tổ, người đi săn dùng dao tách ra để kiến rời đi, đây chính là lúc dễ bị kiến cắn nhất. Tuy nhiên đối với người chuyên đi săn tổ kiến, bị cả đàn kiến tấn công là chuyện bình thường.
3. Nuôi ruồi
Nhắc đến ruồi, ai cũng muốn tránh xa, loại bỏ vì nó luôn xuất hiện tại những nơi ô nhiễm, không sạch sẽ. Tuy nhiên nuôi ruồi , cụ thể là ruồi lính đen lại trở thành công việc hái ra tiền. Câu chuyện của Chí Cảnh (Củ Chi, TP.HCM) - 1 kỹ sư xây dựng bỏ việc để về nuôi ruồi lính đen là ví dụ điển hình.
Ban đầu Cảnh bị gia đình, người thân phản đối kịch liệt, thậm chí cười nhạo nhưng anh vẫn không bỏ cuộc. Anh tận dụng tán rừng cao su để nuôi ruồi. Đến cuối năm 2018, thấy mô hình hiệu quả, anh đã xây hẳn một trang trại nuôi ruồi.
Loài ruồi thường tự tìm thức ăn ôi thiu để bám vào và ruồi lính đen cũng không ngoại lệ. Ở trang trại của Cảnh, thức ăn chính của ruồi lính đen là các loại rác thải hữu cơ như rau củ quả, các loại bã đậu nành, bã củ mì, cơm thừa.
Trang trại của Cảnh chủ yếu tập trung sản suất trứng ruồi để bán. Còn nhộng ruồi lính đen cung cấp cho các trang trại làm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng trong chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản... Một kg trứng ruồi lính đen có thể nở và phát triển thành 3 - 4 tấn nhộng.
Thời điểm 2019, mỗi tháng Cảnh thu khoảng 4 kg trứng ruồi lính đen với giá bán từ 15 - 20 triệu đồng/kg, thu về khoảng 80 triệu/tháng.
4. Ngửi mít
Những năm gần đây, mít Thái được coi là cây trồng chủ lực tại một số tỉnh Nam Bộ. Thương lái thường tìm đến tận nhà vườn để thu mua mít và chính từ đây ngề "ngửi mít" thuê xuất hiện.
Nói một cách dễ hiểu, họ sẽ cùng thương lái đến nhà vườn, để xác định độ già của mít, làm giảm thiểu rủi ro mua phải mít non hay mít nhiều xơ đen.
Vì vậy không chỉ đơn thuần là ngửi mà người làm công việc này còn phải dựa vào nhiều yếu tố như cuống và lá trên cuống, vị trí mọc, gai mít hoặc chích nhẹ vào cuống để kiểm tra mủ. Ngoài ra người "ngửi mít" thuê cũng hỗ trợ chủ vườn hái mít, chất lên xe.
Nếu vào vụ mít, các "chuyên viên giám định" mít sẽ vô cùng bận rộn và theo chân thương lái cả ngày, di chuyển từ 2 - 3 vườn. Kết hợp với hái mít thuê, thu nhập của người "ngửi mít" có thể lên đến hàng triệu đồng mỗi ngày.
5. Soi giới tính gà con
Khi nuôi gà, tùy theo mục đích nuôi lấy trứng hay thịt mà các trang trại sẽ tách tỷ lệ trống/ mái khác nhau. Đây chính là lý do khiến cho việc phân loại giới tính gà cực kỳ quan trọng, từ đây xuất hiện nghề soi giới tính gà con .
Những người làm công việc này sẽ dựa vào sự khác biệt ở lỗ huyệt gà trong khoảng 2 - 3 tiếng khi gà mới nở xong. Người lành nghề có thể phân loại khoảng 1.000 - 1.200 con gà/ tiếng, thu về khoảng 200.000 - 360.000 đồng/ tiếng. Vào mùa cao điểm, họ thường làm việc hàng chục tiếng đồng hồ và thu về tiền triệu mỗi ngày.
Dù có nguồn thu nhập cao nhưng lại có rất ít người gắn bó với công việc này. Bởi lẽ không phải ai chăn nuôi lâu năm hay đi học về là làm được mà cần phụ thuộc vào khả năng cũng như sự kiên trì, chịu khó của mỗi người.
Ngoài ra môi trường làm việc của nghề soi giới tính gà cũng không phải lý tưởng khi họ phải ngồi hàng chục tiếng đồng trong lò ấp trứng nóng bức và hôi tanh mùi phân gà.
Nguồn: Tổng hợp