Gặp cậu học trò viết “tâm thư” gởi Phó Thủ tướng
Duy chính là chủ nhân của bức “tâm thư” gởi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo ngành Giáo dục, đang gây “bão” trên mạng xã hội. Ngoài khả năng tự học, say mê sách, em còn ấp ủ nhiều ý tưởng lớn cho nền giáo dục nước nhà.
Nên mạnh dạn bỏ thi tốt nghiệp THPT
Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến về 3 phương án tổ chức kỳ thi chung quốc gia vào năm 2015, Phan Hưng Duy nói thẳng: “Em nghĩ phương án tốt nhất là thay kỳ thi tốt nghiệp THPT bằng việc xét công nhận tốt nghiệp, bởi việc tổ chức thi rất tốn kém nhưng chẳng đánh giá được gì, hầu như ai thi cũng đậu. Hơn nữa, kỳ thi tốt nghiệp chỉ cách kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) chưa đầy một tháng, vô tình tạo áp lực thi cử không đáng có. Em thấy nên duy trì thi tuyển sinh ĐH, CĐ bởi kỳ thi này đảm bảo chất lượng, đáp ứng sở thích của học sinh”. Cậu học trò lớp 12 cho biết thêm, nếu Bộ GD&ĐT vẫn kiên trì tổ chức kỳ thi chung thì nên chọn phương án 1, tức là thí sinh được thi 4 môn trong 8 môn. “Phương án này giúp học sinh chọn các môn thi tốt nghiệp trùng với khối thi ĐH, có thể tập trung ôn luyện để đạt kết quả cao” – Duy nhận xét.
.
Phan Hưng Duy (trái) luôn nhận được ủng hộ của cha mình.
Để trăn trở viết “tâm thư” gởi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Duy đã chịu khó lên mạng tham khảo rất nhiều ý kiến đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến do chính em đúc kết sau nhiều năm miệt mài học tập, nghiên cứu sách, báo, tài liệu. Ông Phan Hưng Phú, cha của Hưng Duy, nói vui: “Nó giống như con “mọt sách”. Bao nhiêu tiền dành dụm được nó đều đặt mua sách, chứ không thích chi tiêu vào việc khác”. Có lẽ nhờ niềm đam mê này mà Duy có những so sánh xác đáng về bộ sách giáo khoa (SGK) hiện nay. “SGK của Nhật Bản và Mỹ đưa rất nhiều hình ảnh, ngôn từ sử dụng giàu cảm xúc, luôn tạo hứng khởi cho học sinh. Trong khi đó, SGK của nước mình lại hàn lâm khó hiểu, đối với các môn tự nhiên thì chỉ toàn công thức, rất khó để tự học và vận dụng vào đời sống thực tế. Em nghĩ trong đổi mới giáo dục, cần phải thay đổi tư duy biên soạn SGK, đặc biệt là các môn tự nhiên” – Duy đề xuất.
Muốn cống hiến nhiều hơn cho xã hội
Ít người biết được, gia cảnh của cậu học trò sinh năm 1996 này đang khó khăn. Từng là học sinh của Trường THPT Thủ Khoa Nghĩa, ngôi trường điểm của TP. Châu Đốc, nhưng năm học 2013 – 2014, Phan Hưng Duy phải bỏ dở lớp 12 giữa chừng vì lý do cá nhân. Năm học 2014 – 2015 này, Duy đăng ký học lại lớp 12 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Châu Đốc nhưng chọn học ban đêm. “Mẹ em bị bệnh tai biến mạch máu não, đi lại không tiện, ba em là lao động chính trong nhà nên ban ngày em phải ở nhà chăm sóc mẹ. Em chọn thi khối D1 (Toán, Văn, Anh văn) vào Trường đại học An ninh nhân dân để gia đình đỡ lo chi phí học tập. Hơn nữa, bản thân em cũng muốn phục vụ trong ngành Công an để đóng góp sức mình cho xã hội” – Duy trải lòng. Ba mẹ em cũng ủng hộ quyết định này và đặt rất nhiều niềm tin vào cậu con trai út.
Khi được một tờ báo điện tử trả nhuận bút cho bức “tâm thư” của mình, Duy đã quyết định ủng hộ vào Quỹ Xã hội – Từ thiện của báo dù hoàn cảnh khó khăn. Cậu không học thêm bất cứ môn nào mà thay vào đó, để dành tiền mua sách vở tự học và nghiên cứu trên internet. Thấy cuốn sách nào hay, Duy đặt mua rồi photo lại cho các bạn cùng tham khảo. Ngoài các loại sách phục vụ cho việc học, SGK của nước ngoài, Duy còn nghiên cứu thêm Luận cương chính trị của Lênin và tìm hiểu về sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – những đề tài khá “khô” đối với đa số học sinh. “Trong các chuẩn mực đạo đức của Bác Hồ, em đặc biệt thích đức tính tiết kiệm và lối sống giản dị. Em luôn học Bác trong việc kiểm soát chi tiêu, hạn chế xài tiền cho những nhu cầu không thật cần thiết” – Duy bộc bạch.
Nói về tâm huyết đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, Duy đề nghị Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu hệ thống giáo dục của Mỹ. Trong đó, học sinh chỉ phải thi môn Toán và Văn, các môn còn lại thực hiện đánh giá chứ không thi. Cách giáo dục này không tạo áp lực thi cử, điểm số, thành tích nhưng vẫn khơi dậy được niềm đam mê nghiên cứu của học sinh. |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN/Báo An Giang