Gần 200 cuộc giao thương đưa thương hiệu nhãn Việt Nam ra thế giới
Gần 30 doanh nghiệp Việt Nam và 70 doanh nghiệp nước ngoài đã thực hiện gần 200 cuộc giao thương đưa sản phẩm nhãn Việt ra thế giới thông qua hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2021.
Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2021 do Cục Xúc tiến thương mại (XTTM – Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức từ ngày 15-16/7/2021 đã kết nối đông đảo các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu nhãn Việt Nam với các nhà thu mua, phân phối trong và ngoài nước.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 44 điểm cầu thuộc 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ba Lan, Hà Lan, Hàn Quốc... và 17 điểm cầu thuộc các tỉnh, thành phố trong nước.
Việt Nam đang vào vụ nhãn với nhiều loại như nhãn lồng Hưng Yên, nhãn Hương Chi, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn Miền Thiết, nhãn Sông Mã, nhãn tiêu da bò miền Tây...
Những địa phương có diện tích trồng nhãn quy mô tập trung của Việt Nam như Hưng Yên, Sơn La, Hải Dương, một số tỉnh miền Tây… đang ngày càng hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, tập trung phát triển các vùng trồng nhãn đạt tiêu chuẩn cấp mã số xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.
Ngoài việc tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước, các sản phẩm nhãn Việt Nam còn được xuất khẩu sang một số thị trường lớn và được người tiêu dùng thế giới đón nhận, trong đó có Trung Quốc, Australia, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, châu Âu, Trung Đông...
Đáng chú ý, tại những thị trường khó tính như Mỹ và Australia…, nhãn Việt Nam đã đáp ứng chuẩn các quy định của nước nhập khẩu như truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản xuất và xuất khẩu theo quy trình đáp ứng yêu cầu chất lượng, xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật đáp ứng điều kiện nhập khẩu hoa quả tươi của nước nhập khẩu; trước khi xuất khẩu được xử lý theo các biện pháp phù hợp đảm bảo không có côn trùng.
Giới thiệu sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên tại điểm cầu Hưng Yên. |
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. Tính đến năm 2021, tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra ước đạt 78.000 ha, sản lượng ước đạt 448.000 tấn.
Riêng với mặt hàng nhãn, các sản phẩm nhãn của Sơn La đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã sản xuất theo quy trình an toàn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngoài sản phẩm quả nhãn tươi, tỉnh Sơn La còn có sản phẩm long nhãn với số lượng khoảng 6.000 tấn/năm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại Hưng Yên, quê hương của quả nhãn lồng, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 4.800 ha nhãn, trong đó nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hơn 1.300ha. Năm 2021, sản lượng nhãn ước đạt 50.000-55.000 tấn, cao hơn 15 - 20% so với năm 2020.
Ngày 18/7, Công ty Cổ phần nông nghiệp hữu cơ Fusa (Hải Dương) thu mua 1,5 tấn nhãn Hương Chi của Hợp tác xã Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) để xuất khẩu đi thị trường châu Âu, EU và Vương quốc Anh.
Toàn bộ diện tích trồng nhãn của Hợp tác xã Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu, được giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất. Công ty Cổ phần nông nghiệp hữu cơ Fusa đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tiến hành lấy mẫu nhãn quả của Hợp tác xã Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng để kiểm nghiệm 821 chỉ tiêu; kết quả nhãn của hợp tác xã này đạt tất cả các chỉ tiêu, tiêu chuẩn để xuất khẩu vào thị trường châu Âu, EU và Vương quốc Anh.
Quả nhãn sau khi thu hoạch được chọn lựa, cắt rời từng quả, sơ chế, chiếu xạ, khử khuẩn, đóng thành từng hộp có khối lượng 500g hoặc 1kg trước khi xuất khẩu bằng đường hàng không đi các nước. Dự kiến khoảng 4 ngày, quả nhãn Hưng Yên đến được tay người tiêu dùng ở nước ngoài; giá nhãn Hưng Yên được bán tại siêu thị ở châu Âu, EU và Vương quốc Anh dao động từ 12 đến 18 Euro/kg, tương đương từ 326 đến 490 nghìn đồng/kg.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, gần 30 doanh nghiệp Việt Nam và 70 doanh nghiệp nước ngoài đã thực hiện gần 200 cuộc giao thương. Thông qua sự kiện này, một số doanh nghiệp, hợp tác xã của Việt Nam đã thuyết phục được đối tác nhận hàng mẫu để đánh giá. Nhiều đối tác đến từ các nước như Indonesia, Singapore, Malaysia, Hoa Kỳ, Hà Lan… đặc biệt quan tâm và giao dịch sâu về các đơn hàng nhập khẩu nhãn.
Cũng tại sự kiện này, các đại biểu đã bấm nút khởi động “Chương trình đưa nhãn và nông sản Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử”; ký kết hợp tác hỗ trợ đưa nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử; đại diện các nhà sản xuất trong tỉnh và các doanh nghiệp ký kết hợp tác tiêu thụ nhãn và nông sản.
Hiền Anh