EU quan ngại về 'luật phản quốc' của Nga
Bà Ashton lưu ý rằng dự luật này cùng với một số sửa đổi lập pháp và tư pháp gần đây ở Nga sẽ hạn chế không gian phát triển xã hội dân sự, và tăng phạm vi đe dọa nhân quyền.
Bà Catherine Ashton, người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: Internet |
Trong khi đó, Matxcova phủ nhận những mối lo ngại về nhân quyền và cho biết dự luật mới được ban hành là nhằm tăng cường an ninh.
Luật hiện hành mô tả tội phản quốc là làm gián điệp hay các hành động hỗ trợ cho nước ngoài gây nguy hại tới an ninh Nga. Dự luật mới bao gồm cả những hành vi được mô tả là chống “trật tự hiến pháp, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ” của Nga. Nó cũng thay đổi cả cách giải thích về tội danh phản quốc khi bao gồm cả các hoạt động như hỗ trợ tài chính, tư vấn cho nước ngoài hay một tổ chức quốc tế.
Dự luật này đã được Hạ viện Nga thông qua hôm 23/10 và dự kiến sẽ sớm được Thượng viện thông qua trước khi được Tổng thống Vladimir Putin ký thành luật.
Nhiều người chỉ trích cho rằng dự luật này là một phần trong chiến dịch đàn áp của Điện Kremli đối với giới bất đồng chính kiến.