'Đường ống nước Sông Đà' phiên bản 2 ở Tây Nguyên: 13 lần vỡ ống, 'chuyền bóng' đổ lỗi
Dự án cấp nước cho cây cà phê đã kết thúc hơn 1 năm, tiền quyết toán cho các nhà thầu gần hết nhưng đường ống chính bị vỡ đến 13 lần trong thời gian thử áp, không thể sử dụng, nếu khắc phục cần hàng chục tỉ đồng.
Dự án được dùng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam |
Được đầu tư gần 73 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, tuy nhiên Dự án cấp nước cho cây cà phê tại huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) không thể vận hành vì quá nhiều lỗi.
Theo tìm hiểu của PV, dự án cấp nước này chưa thể đi vào hoạt động dù đã kết thúc hơn 1 năm là vì tiền thi công đã quyết toán cho các nhà thầu gần hết nhưng đường ống chính bị vỡ đến 13 lần trong thời gian thử áp, khó có khả năng khắc phục; nếu khắc phục được thì kinh phí sẽ ''đội'' lên hàng chục tỉ đồng.
Sau các sự cố xảy ra, chủ đầu tư và nhà thầu thi công liên tục 'đá quả bóng trách nhiệm' cho nhau khiến dự án luôn nằm trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Hậu quả là người dân chịu thiệt thòi vì cây cà phê vẫn khát nước.
Trao đổi với PV Infonet, ông Vũ Đức Côn - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk (đại diện chủ đầu tư dự án) xác nhận, dự án này chưa đi vào hoạt động vì đường ống liên tục bị vỡ trong thời gian thử áp và hiện chưa khắc phục xong.
Theo ông Côn, theo kế hoạch, trong tháng 10/2020 phải kết thúc dự án để nghiệm thu nhằm quyết toán đúng thời hạn.
Về nguyên nhân, ông Côn lý giải: ''Ngoài việc thiết kế dự án có sai sót thì nguyên nhân chính dẫn đến vỡ đường ống là do nhà thầu thi công làm không đúng với hồ sơ thiết kế; chất lượng ống không tốt; quá trình thử áp lực đường ống chưa đạt yêu cầu mà đã mở nước toàn tuyến dẫn đến đường ống liên tiếp vỡ và dự án không thể vận hành''.
Cơ quan chức năng đang tìm nguyên nhân chính để có hướng khắc phục. |
“Hiện chúng tôi đã làm báo cáo giải trình cho Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk và đang tìm hướng khắc phục những sai sót nói trên”, ông Côn cho biết thêm.
Trái ngược với những nội dung ông Vũ Đức Côn thông tin, bà Lưu Thị Ngụ - Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Kỳ Nguyên (1 trong 3 đơn vị thi công dự án này) cho rằng: ''Nguyên nhân vỡ đường ống trước hết là lỗi thiết kế dự án''.
Theo bà Ngụ, ngoài việc lựa chọn vật liệu không phù hợp như chọn ống nhựa giòn rẻ tiền UPVC có chất lượng kém nhất trong các loại ống dùng trong cấp nước (không phù hợp với địa hình đồi núi dốc), còn hàng loạt lỗi khác trong thiết kế gồm: hồ sơ thiết kế chưa có các van thu khí, thiếu thiết bị giảm áp, giếng tiêu năng, các vị trí chuyển hướng không có mố neo mà lại thiết kế trên đường ống thẳng…
Theo đại diện một đơn vị thi công, thiết kế của công trình này dùng ống nhựa giòn rất dễ vỡ. |
Tuy nhiên, bà Ngụ cũng cho rằng phía Kỳ Nguyên cũng có những sai sót nhất định như: thi công thiếu một số hạng mục như mố neo bê tông; cút, chếch không đúng theo hồ sơ thiết kế. Những sai sót này được bà Ngụ lý giải ''do áp lực tiến độ phải hoàn thành để nghiệm thu''.
Nói về phương án khắc phục sự cố vỡ đường ống, bà Ngụ cho biết, ''gần như không thể khắc phục'' vì những lỗi nói trên sẽ còn tồn tại nếu như vẫn dùng ông nhựa giòn, thậm chí ''nếu quyết tâm khắc phục chỉ tốn thêm tiền mà không hiệu quả, ống sẽ tiếp tục vỡ như những lần trước''.
“Nếu thay được ống nhựa giòn bằng loại ống nhựa dẻo thì mới khắc phục được. Thế nhưng, nếu thay đường ống thì cũng phải thay đổi gần như toàn bộ thiết kế, chi phí có thể tốn thêm hàng chục tỷ đồng nữa vì ống nhựa giòn rẻ hơn ống nhưa dẻo một nửa tiền”, bà Ngụ khẳng định.
Theo tìm hiểu của PV, hiện UBKT tỉnh ủy Đắk Lắk và một số cơ quan chức năng tỉnh này đang vào cuộc nhằm làm rõ nguyên nhân vì sao công trình này chưa được vận hành dù đã thi quyết toán gần xong, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đây là một tiểu dự án trong Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên”, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án cấp nước ở thôn Tiến Cường được giao cho Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, khởi công cuối năm 2019; nhà thầu thi công là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên và 2 đơn vị khác.
Theo thiết kế, dự án dẫn nước từ hồ Buôn Yông về thôn Tiến Cường với khoảng cách gần 5km để tưới cho 400ha cây công nghiệp mà chủ yếu là cà phê của nhân dân.
Về khu tái định cư của dự án thủy lợi hơn 4.000 tỉ đồng, dân vui nhưng vẫn còn lo
Sau vụ mùa đầu tiên trên cánh đồng khu tái định cư số 1, xã Cư Elang, huyện Ea Kar (Đắk Lắk), người dân vui mừng vì lúa đạt năng suất cao ngoài mong đợi.
Hải Dương