Đường băng hoàn thành, Trung Quốc sẽ đưa chiến đấu cơ J-11 ra Biển Đông?
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), việc triển khai các chiến đấu cơ J-11 sẽ giúp Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động quân sự bên ngoài căn cứ ở thành phố cực nam Tam Á trên đảo Hải Nam. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng khả năng phòng thủ của J-11 sẽ bị hạn chế nhiều mặt bởi chiến đấu cơ này đã lỗi thời so với lực lượng máy bay chiến đấu tối tân của Không quân Mỹ.
Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất các chiến đấu cơ J-11 dựa theo mẫu máy bay Su-27 của Liên Xô cũ. Cho tới nay, J-11 vẫn là vũ khí chủ lực của Không quân Trung Quốc với số lượng lên tới hàng trăm chiếc đang hoạt động.
Chiến đấu cơ J-11 của Không quân Trung Quốc. |
Vào ngày 30/6/1990, Quân ủy trung ương Trung Quốc đã thông qua đề xuất mua 24 chiến đấu cơ Su-27 hiện đại nhất lúc bấy giờ của Liên Xô cũ. Theo chuyên gia quân sự ở Macau, ông Antony Wong Dong, quyết định mua Su-27 được Trung Quốc đưa ra sau 3 sự kiện.
Đầu tiên, Mỹ áp đặt lệnh cấm bán vũ khí Trung Quốc. Thứ hai, tại khu vực Trung Đông, Bắc Kinh đã ghi nhận chiến thắng thần tốc của quân đội Mỹ trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất mà chủ yếu dựa vào sức mạnh không quân vượt trội. Thứ ba, Washington đã đồng ý bán cho Đài Loan 150 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất F-15, trang bị công nghệ tối tân hơn cả các chiến đấu cơ J-18 II của Trung Quốc.
Thỏa thuận mua bán Su-27 giữa Liên Xô cũ và Trung Quốc còn bao gồm bản hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD cung cấp dây chuyền sản xuất để Bắc Kinh cho ra đời các biến thể của Su-27. Tuy nhiên, thỏa thuận này tưởng chừng tan vỡ khi Liên Xô cũ sụp đổ. Song Tổng thống Liên bang Nga lúc bấy giờ là Boris Yeltsin đã cam kết thực thi thỏa thuận. Quá trình chuyển giao các chiến đấu cơ và dây chuyền sản xuất cho Trung Quốc được bắt đầu từ tháng 2/1991 và kết thúc vào tháng 9/2009.
Theo chuyên gia Wong, sự xuất hiện của S-27 đã giúp lực lượng Không quân Trung Quốc rút ngắn khoảng cách công nghệ với Không lực Đài Loan cũng như giúp ngành công nghiệp quốc phòng Nga thoát cảnh từng gần như phá sản.
Từ những chiến đấu cơ Su-27 mua của Nga, Trung Quốc đã cho ra đời các biến thể J-11 và J-11B do Tập đoàn máy bay Shenyang sản xuất. Được trang bị các loại máy bay trên, Không quân Trung Quốc tỏ ra ngày càng hung hăng.
Điển hình, hồi tháng 8/2014, một chiếc J-11 của Trung Quốc đã tiến sát đầy nguy hiểm và chỉ cách máy bay săn ngầm P-8A Poseidon của Mỹ khoảng 10 m trên không phận cách đảo Hải Nam 220 km về phía đông. Chiếc J-11 còn bay lên phía trước mũi máy bay P-8 và thực hiện màn nhào lộn khoe dàn vũ khí mang theo.
Còn hồi tuần trước, Bắc Kinh đã ngang nhiên tuyên bố chương trình xây dựng trái phép tại 7 khu vực trên Biển Đông "sắp hoàn thành". Những công trình Trung Quốc đang xây dựng gồm 2 đường băng trong đó có một đường phù hợp với mục đích quân sự. Theo đó, đường băng này được Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trải dài 3 km và đủ rộng để J-11 hạ cánh.
J-11 của Trung Quốc không đủ sức chống chọi trước các cuộc tấn công từ F-35 của Không quân Mỹ. |
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn khăng khăng biện minh các cơ sở đang xây dựng trên Biển Đông chủ yếu phục vụ mục đích dân sự và cho phép các nước láng giềng cùng sử dụng. Song, các nước và khu vực có cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Đài Loan, ngoài ra cả Mỹ đều nhận thức rõ rằng mục đích thực sự của Trung Quốc là xây các căn cứ quân sự mới ngay trên một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới.
Theo SCMP, các thế hệ chiến đấu cơ J-11 có phạm vi hoạt động là 1.500 km và xa hơn khi bình nhiên liệu được tăng kích cỡ. Việc triển khai các J-11 trên bãi Đá Chữ Thập sẽ giúp Không quân Trung Quốc mở rộng hoạt động sang phía nam thêm 1.000 km và đủ điều kiện hoạt động trên tàu sân bay Liêu Ninh. Nói cách khác, J-11 là trợ thủ đắc lực để Trung Quốc hoàn thành mục tiêu phòng thủ từ khu vực bờ biển cho tới các vùng biển mở.
Chuyên gia quân sự David Tsui tại Đại học Sun Yat-sen cho rằng J-11 đủ khả năng giúp Trung Quốc phòng thủ tại 7 hòn đảo mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép trên Biển Đông, song không đủ sức để chống đỡ trước một cuộc tấn công tối tân.
"Đối thủ lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ. Washington đã bày tỏ quan điểm ngay lập tức can thiệp vào các tranh chấp chủ quyền trong khu vực nếu quân đội Trung Quốc đưa ra các biện pháp ép buộc hoặc dùng vũ lực để giải quyết vấn đề", ông Tsui nói.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tờ báo tiếng Anh đầu tiên của Hồng Kông được Tập đoàn SCMP phát hành.