Đừng tạo cho Trung Quốc màn khói ngụy trang mưu đồ trên Biển Đông!
“Một câu hỏi đơn giản cần được đặt ra: Nếu biển Đông không giàu có về tài nguyên thiên nhiên, liệu Trung Quốc có bị ám ảnh đáng kể là phải kiểm soát quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hay biển Đông không?” - TS Subhash Kapila đặt câu hỏi với các đại biểu tham dự hội thảo.
TS Subhash Kapila tham quan triển lãm "Hoàng Sa – Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam" được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng nhân dịp diễn ra hội thảo quốc tế "Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử" (Ảnh: HC) |
Rồi ông nói tiếp: “Câu trả lời là không, vì mệnh lệnh “được gạch dưới” của Trung Quốc để kiểm soát Biển Đông hoàn toàn mang tính chiến lược và liên quan đến chiến lược tổng thể của Trung Quốc nhằm nổi lên là một cường quốc thống trị trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương với chiến lược hải quân mở ra vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Vì vậy, bá chủ hoàn toàn Biển Đông là nhu cầu cấp bách của Trung Quốc”.
Theo TS Subhash Kapila, tranh cãi về Biển Đông trong các cuộc thảo luận của giới trí thức hay tranh luận mang tính học thuật đang có xu hướng nhấn mạnh về trữ lượng dầu khí, khoáng sản dưới đáy biển và các vùng đánh cá mở rộng, khiến gợi lên những suy diễn và ấn tượng sai về các giải pháp có thể nổi lên dẫn tới việc hợp tác cùng quản lý các tài nguyên đó, từ đó mở ra hình thức nào đó về giải quyết xung đột.
"Ý nghĩa kinh tế của Biển Đông mang tầm quan trọng thứ yếu trong tính toán chiến lược của Trung Quốc. Liên tục nhấn mạnh tới tầm quan trọng kinh tế của biển Đông trong các tranh luận sẽ tạo cho Trung Quốc một màn khói để ngụy trang cho những mục đích chiến lược thực sự về sự thống trị đầy đủ trên Biển Đông!” - TS Subhash Kapila nhấn mạnh.
Trung Quốc sẽ quyết tâm chống lại mọi giải pháp giải quyết xung đột
Theo TS Subhash Kapila, chiến lược đã bộc lộ rõ của Trung Quốc ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương xoay quanh 3 mục đích: 1/ Nổi lên là nước mạnh nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với việc thống trị khu vực Tây Thái Bình Dương như là bước đi đầu tiên. 2/ Nổi lên ngang bằng về chiến lược với Mỹ. 3/ Dẫn đến việc loại bỏ sự hiện diện quân sự tiền tiêu của Mỹ ở Thái Bình Dương.
TS Subhash Kapila cho rằng cần hiểu rõ chiến lược này để hiểu việc leo thang xung đột của Trung Quốc trên Biển Đông. Quyền bá chủ ở Biển Đông cùng với biển Hoa Đông vì thế đã nổi lên như một nhu cầu chiến lược cấp thiết của Trung Quốc để đạt được những mục đích cuối cùng như đã nói ở trên.
Do lẽ đó, Trung Quốc luôn quyết tâm chống lại bất kỳ giải pháp giải quyết xung đột nào nào vì chúng sẽ làm giảm các vị trí quân sự của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như địa vị thống trị của Trung Quốc trên vùng Biển Đông.
Nhiều học giả nổi tiếng thế giới tham dự hội thảo quốc tế "Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử" (Ảnh: HC) |
“Tiến trình xử lý xung đột và làm giảm rủi ro tại các cấp khu vực và quốc tế liên quan đến gia tăng căng thẳng ở biển Đông đang phải đương đầu với một thực tế khiến người ta thoái chí là Trung Quốc không bao giờ trở thành bộ phận của một giải pháp cho các tranh chấp trên Biển Đông. Ngược lại, Trung Quốc là một vấn đề nổi cộm bởi những tính toán chiến lược của họ đã quyết định rằng việc kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là nhu cầu quận sự cho sự thống trị hiệu quả trên Biển Đông” - TS Subhash Kapila chỉ rõ.
Theo ông, thậm chí nếu Trung Quốc bị buộc phải chịu áp lực và phải phục tùng tiến trình đa phương giải quyết xung đột thì vẫn tồn tại nhiều khả năng nước này sẽ chỉ vì mục đích hình thức hay vì sự đồng thuận của quốc tế, để rồi họ vẫn dùng chiến thuật câu giờ nhằm làm suy yếu các cuộc thảo luận trong khi họ tiếp tục không ngừng tăng cường các vị trí chiến lược và vị trí quân sự của mình trên biển Đông!
Triển vọng về liên minh châu Á “chiếu tướng” Trung Quốc
TS Subhash Kapila nhấn mạnh, việc mở rộng tầm ảnh hưởng ở biển Đông kết nối với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, cùng với việc đi ngang qua biển Đông là các tuyến hàng hải quan trọng sống còn, có ý nghĩa quyết định không chỉ liên quan đến khía cạnh kinh tế mà còn liên quan đến khía cạnh quân sự trong bối cảnh có sự kình địch giữa các nước trên toàn cầu cũng như ở châu Á.
“Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines có những quyền lợi lớn trên biển Đông, sau đó là Ấn Độ, Úc và Nga cũng vậy. Nhưng sự xung đột chính yếu của Trung Quốc ở biển Đông sẽ tập trung vào Việt Nam. Đây là tường thành duy nhất ở Đông Nam Á ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông nên chắn chắn họ sẽ tập trung mọi sức mạnh quân sự để khuất phục Việt Nam nếu muốn thống trị hoàn toàn khu vực biển Đông” - TS Subhash Kapila nói.
Trước tình hình đó, TS Subhash Kapila cho rằng, triển vọng về liên minh châu Á đang nổi lên trước sự dè dặt, trận trọng của Mỹ, Nga đối với tranh chấp ở biển Đông. Là các nước lớn ở châu Á, Nhật Bản và Ấn Độ có những lợi ích quan trọng đối với an ninh và ổn định trong khu vực biển Đông. Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều có các tranh chấp với Trung Quốc, và trong nhận thức của họ về các mối đe dọa thì “mối đe dọa Trung Quốc” hiện ra rất rõ ràng.
TS Subhash Kapila nhận định: “Việt Nam là nước trung tâm ở Đông Nam Á đang đấu tranh mạnh mẽ với việc leo thang xung đột của Trung Quốc. Thật có ý nghĩa vì Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ và quan hệ an ninh với Nhật Bản đang tăng lên. Nhật Bản và Ấn Độ có mối quan hệ đối tác chiến lược đang tiến triển tốt sẽ gây khó chịu cho Trung Quốc.
Xét về triển vọng, điều này có thể thành hạt nhân để Việt Nam, Philippines, Hàn Quốc và có thể cả Úc gắn kết thành một khối nhằm “chiếu tướng” đối với chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trong khu vực biển Đông. Mỹ và Nga vì thế có thể không tiếp tục duy trì lâu nữa sự rụt rè về chiến lược và quân sự trước sự ngoan cố của Trung Quốc có thể châm ngòi cho tính dễ cháy nổ của tình hình trên biển Đông”.
Biển Đông dưới quyền bá chủ của Trung Quốc sẽ như thế nào?
“Quần đảo Hoàng Sa dưới sự chiếm đóng của Trung Quốc cho phép nước này mở rộng cú đấm hải quân nhiều hơn vào vùng biển Thái Bình Dương. Nó cũng cho phép Trung Quốc có quyền thống trị các tuyến hàng hải trên biển Đông có xu hướng đi sát các nước có biển ở khu vực Tây Thái Bình Dương để tránh các đảo rải rác trong khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Quần đảo Trường Sa tuy có hơi xa bờ biển Trung Quốc song có ý nghĩa chiến lược quan trọng ở chỗ đây sẽ là trung tâm chỉ huy đem lại cho Trung Quốc đòn bẩy quân sự để kiểm soát các vùng rộng lớn trên biển Đông, khống chế mật độ lưu thông hàng hải đông đúc đi qua vùng biển này. Hơn thế nữa, việc kiểm soát quân sự trên quần đảo Trường Sa sẽ trao cho Trung Quốc những lợi thế đáng kể để thực hiện các chiến lược phòng thủ và tấn công với năng lực hải quân đang tiến triển nhanh chóng và không ngừng phô diễn sức mạnh.
Biển Đông dưới quyền bá chủ về chiến lược và quân sự của Trung Quốc còn cho phép Trung Quốc siết chặt tĩnh mạch của các đồng minh quân sự của Mỹ trong khu vực Tây Thái Bình Dương và tác động đến việc Mỹ điều chuyển sự có mặt quân sự tới khu vực Tây Thái Bình Dương!”
(TS Subhash Kapila chỉ rõ tại hội thảo quốc tế “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử”)
Quá đủ để rung hồi chuông báo động!
“Quá đủ để hiểu các yêu sách của Trung Quốc hiện đã rung hồi chuông báo động không chỉ với các quốc gia ASEAN có tranh chấp chủ quyền mà còn với các quốc gia khác như Indonesia, Singapore, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... Các quốc gia này dựa vào tuyến hàng hải không bị cản trở trên biển Đông để giao thương, vận chuyển khí đốt, dịch chuyển quân sự và đều không muốn Trung Quốc có vị trí mạnh mẽ hơn khống chế ngã tư địa chiến lược quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
“Nếu Trung Quốc có thể thực hiện các yêu sách trên biển Đông thì các tàu cá và tàu giao thương của các nước này sẽ phải tuân thủ quy định, luật pháp và bất kỳ hạn chế nào của Trung Quốc có thể áp dụng trong tương lai. Cuối cùng, lực lượng hải quân của các quốc gia ven biển cũng sẽ bị ảnh hưởng với việc tàu chiến của các nước này phải đối mặt với sự ngăn chặn mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Điều này trùng hợp với chính sách hiện nay của Trung Quốc là các tàu chiến của các quốc gia khác đi qua khu vực biển Đông phải được sự chấp thuận của Trung Quốc!”
(TS Renato DeCastro (Đại học De La Salle, Philippines) cáo giác với các đại biểu tham dự hội thảo)