Đưa biển - đảo Nam Trung bộ thành thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam
Sáng 26/5 tại Đà Nẵng, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 2340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ (gọi tắt là Vùng) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan; lãnh đạo chính quyền, ngành du lịch các tỉnh trong Vùng, các Vùng lân cận cùng các tổ chức quốc tế phối hợp thực hiện dự án.
Hội nghị công bố“Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Bộ VH-TT-DL tổ chức sáng 26/5 tại Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên, duyên hải Nam Trung bộ là một trong bảy vùng du lịch của Việt Nam (gồm TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), là địa bàn có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi, có tiềm năng kinh tế, sinh thái môi trường to lớn và là vùng đất có bề dày lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp tạo nên tiềm năng du lịch vô cùng to lớn và giữ một vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với du lịch Việt Nam.
Năm 2013, tỉ trọng GDP du lịch các địa phương trong Vùng so với GDP toàn tỉnh chiếm trung bình 3% - 3,5%. Năm 2013 toàn Vùng có gần 74,5 nghìn lao động ngành du lịch, chiếm 14% lao động du lịch trên cả nước. Theo đó, lao động gián tiếp ngoài xã hội có thể đạt trên 150 nghìn người. Tốc độ tăng trưởng trung bình năm lượng khách quốc tế đi lại giữa các tỉnh giai đoạn từ năm 2000 - 2005 đạt 23%/năm; giai đoạn từ năm 2006 - 2013 đạt 13,7%/năm; tính cả giai đoạn từ 2000 - 2013 đạt gần 17,3%/năm, đạt mức cao nhất trong các vùng cả nước.
“Tuy nhiên sự phát triển du lịch của Vùng vẫn còn chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tầm nhìn tổng thể và sự liên kết phát triển du lịch toàn Vùng, thiếu ổn định, bền vững. Quy hoạch phát triển du lịch Vùng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo tiền đề cho tông tác đầu tư, quản lý phát triển du lịch Vùng một cách đúng hướng và bền vững” – Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại hội nghị (Ảnh: HC) |
Theo Quyết định 2340/QĐ-TTg, Vùng sẽ phát triển đồng thời du lịch biển – đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; trong đó lấy du lịch biển – đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa là nền tảng, tập trung vào các giá trị văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh, văn hóa của cư dân vùng biển duyên hải miền Trung, văn hóa các dân tộc phía Đông dãy Trường Sơn, các di tích gắn với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, để phát triển các loại hình du lịch đặc thù của Vùng.
Trong đó, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh: “Khai thác tiềm năng, lợi thế của Vùng để phát triển du lịch biển - đảo trở thành thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam; phát triển các đô thị du lịch hiện đại, các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia với các cơ sở dịch vụ cao cấp. Phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế Vùng, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt Nam”.
Bà cũng nêu rõ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ “tập trung phát triển du lịch Vùng có chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp để đảm bảo sản phẩm du lịch có thương hiệu và tính cạnh tranh cao; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển du lịch với bảo đảm quốc phòng – an ninh và bảo vệ môi trường, tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong Vùng để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch chung cho toàn Vùng”.
Phát triển du lịch biển - đảo Vùng duyên hải Nam Trung bộ trở thành thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam (Ảnh: HC) |
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, sẽ phát triển TP Đà Nẵng thành trung tâm du lịch của toàn Vùng duyên hải Nam Trung bộ và tiểu vùng phía Bắc (gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); TP Nha Trang (Khánh Hòa) thành trung tâm du lịch của tiểu vùng phía Nam (gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), đồng thời giữ vai trò trung tâm phụ trợ của tiểu vùng phía Bắc; TP Phan Thiết thành trung tâm phụ trợ của tiểu vùng phía Nam.
Trong đó sẽ tập trung đầu tư phát triển 09 khu du lịch quốc gia, gồm: Sơn Trà, Bà Nà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), Phương Mai (Bình Định), vịnh Xuân Đài (Phú Yên), Bắc Cam Ranh (Khánh Hòa), Ninh Chữ (Ninh Thuận) và Mũi Né (Bình Thuận); 06 điểm du lịch quốc gia gồm Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Mỹ Sơn (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Lũy (Quảng Ngãi, Bình Định), Trường Sa (Khánh Hòa) và Phú Quý (Bình Thuận); 04 đô thị du lịch gồm TP Đà Nẵng, TP Hội An (Quảng Nam), TP Nha Trang (Khánh Hòa) và TP Phan Thiết (Bình Thuận).
“Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ (gọi tắt là Vùng) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề ra mục tiêu đến năm 2020, Vùng thu hút hoảng 15 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 4,5 triệu lượt khách quốc tế; phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 25 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 7,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 70.000 tỉ đồng; phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 160.000 tỉ đồng.