Dù tăng trưởng kinh tế ASEAN chậm hơn so với dự báo, Việt Nam vẫn là "điểm sáng"
Tờ ASEAN Post đưa tin theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tốc độ tăng trưởng của các nước Đông Nam Á đã ở mức thấp hơn so với dự báo. Do đó, ADB đã hạ mức dự báo tăng trưởng xuống còn 4,8% vào năm 2019 và 4,9% vào năm 2020 so với mức dự đoán ban đầu là 4,9% cho năm 2019 và 5,0% vào năm 2020. Tuy nhiên, lạm phát của khu vực trong năm 2019 hiện được dự đoán sẽ giảm xuống 2,4% so với dự báo trước đó là 2,6%.
Dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của ASEAN do Ngân hàng Phát triển châu Á công bố. (Ảnh: ASEAN Post) |
Dù nhu cầu nội địa tăng mạnh, song các nền kinh tế mở của khu vực ASEAN vẫn đang phải đối mặt với tác động kép từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự sụt giảm của chu kỳ kinh tế.
Cụ thể, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của Singapore, Thái Lan và Philippines cho năm 2019. Tuy nhiên, triển vọng của ba nước ASEAN là Indonesia (5,2%), Malaysia (4,5%) và Việt Nam (6,8%) vẫn được ADB giữ nguyên so với dự báo hồi tháng Tư.
"Ngay cả khi căng thẳng thương mại vẫn tiếp diễn, ASEAN vẫn sẽ duy trì sự tăng trưởng nhưng ở mức vừa phải. Tuy nhiên, cho đến khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận, sự bất ổn sẽ tiếp tục đè nặng lên triển vọng phát triển kinh tế của khu vực ASEAN", nhà kinh tế trưởng của ADB ông Yasuyuki Sawada nhận định.
Hạ mức dự báo tăng trưởng của Singapore, Thái Lan và Philippines
Sản xuất và thương mại quốc tế suy giảm ở Singapore đã khiến ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP của quốc đảo này từ 2,6% xuống còn 2,4% trong năm 2019. Tuy nhiên, lĩnh vực dịch vụ đã kéo nền kinh tế này khỏi bị tụt dốc nhưng đặc biệt ngành thông tin và truyền thông vẫn tăng 6,6% trong quý I/2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng của ngành thông tin và truyền thông Singapore bất chấp việc Singtel, nhà khai thác viễn thông lớn nhất Đông Nam Á, cho công bố lợi nhuận ròng thấp nhất trong 16 năm trở lại đây hồi tháng Năm.
Tại Thái Lan, ADB dự báo tốc đột tăng trưởng của quốc gia này sẽ là 3,5%, giảm so với dự báo ban đầu là 3,9%. Thương mại toàn cầu yếu hơn khiến xuất khẩu hợp đồng giảm 4,5% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2019. Song tiêu dùng và đầu tư tư nhân vẫn đang được đẩy mạnh cùng mức thu nhập tăng trưởng bền vững, tỷ lệ thất nghiệp thấp cũng như giá cả ổn định.
Tại Philippines, ADB đã hạ mức dự báo tăng trưởng từ 6,4% xuống còn 6,2% do chi tiêu chính phủ bị trì trệ. Giống như ở các nước ASEAN khác, tăng trưởng xuất khẩu của Philippines đã bị chậm lại do hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu ảm đạm.
Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy việc chuyển hướng trong thương mại và sản xuất đang mang lại lợi ích cho ASEAN. Điển hình, Việt Nam đã tăng xuất khẩu thêm 6,7% trong 5 tháng đầu năm nay và tăng 28% hoạt động xuất khẩu sang Mỹ.
Việt Nam và Campuchia là hai điểm sáng của ASEAN
Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á trong năm nay với mức tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019 ước tính là 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi và hạn hán kéo dài.
Ngoài ra, tăng trưởng trong ngành công nghiệp đặc biệt trong khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng đã tăng 27% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái.
Nền kinh tế phát triển theo hướng mở rộng nhanh chóng hoạt động xuất khẩu bao gồm ngành dệt may và thúc đẩy nhu cầu nội địa đã giúp GDP của Campuchia tăng trưởng từ 6,9% trong năm 2016 lên mức 7,0% vào năm 2017 và 7,3% trong năm 2018.
Trong bản báo cáo được ADB công bố hồi tháng Tư, dự báo tăng trưởng của Campuchia là 7% trong năm 2019. Đây là mức dự báo tăng trưởng kinh tế cao nhất mà ADB đưa ra cho các nước thành viên ASEAN.
Ngoài dự báo của ADB, Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo nền kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng ở mức gần 7% trong năm 2019.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động đầu tư và gây mất ổn định tăng trưởng của khu vực. Ngoài ra những yếu tố khác như giá dầu tăng, lạm phát và bất ổn xung quanh Brexit cũng có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của ASEAN.
Bên cạnh đó, những mối đe dọa ảnh hưởng tới sự tiến bộ và thịnh vượng của ASEAN còn phải kể đến tình trạng biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai mà hậu quả của nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nghèo mà đặc biệt ở các nước bất bình đẳng cao.
Nhưng theo ASEAN Post, nhìn chung sự tăng cường của nhu cầu nội địa sẽ bù đắp cho sự chững lại của hoạt động xuất khẩu. Nếu nhu cầu nội địa tiếp tục cao nhờ mức thu nhập tăng, lạm phát giảm và kiều hối tăng mạnh, triển vọng phát triển kinh tế của ASEAN vẫn rất tốt.