Du lịch đường biển bằng tàu cao tốc từ Campuchia tới đảo Phú Quốc
Campuchia và Việt Nam sẽ mở tuyến đường biển nối tỉnh Kep với đảo Phú Quốc để phát triển lĩnh vực du lịch và sử dụng tàu cao tốc để di chuyển.
Hôm 6/6, Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon cho hay chính phủ nước này sẽ thiết lập tuyến đường biển nối tỉnh Kep với đảo Phú Quốc của Việt Nam để phát triển lĩnh vực du lịch, và sử dụng tàu cao tốc để vận chuyển. Sản phẩm du lịch đường thủy này được dự báo sẽ thu hút du khách trong ASEAN nhờ chính sách miễn thị thực nhập cảnh.
Ông Khon cho biết Bộ Du lịch Campuchia và chính quyền tỉnh Kep đã nghiên cứu đề án, và đang chuẩn bị mở cửa đón du khách đi du lịch bằng đường biển giữa cảng Koh Tonsay của tỉnh Kep và đảo Phú Quốc của Việt Nam.
Du khách Việt Nam đứng đầu trong khối ASEAN tới Campuchia. (Ảnh: Linh Phạm) |
Mục đích chính của dự án là thiết lập tuyến đường biển nhằm thu hút du khách quốc tế đi từ Việt Nam tới Campuchia, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người dân Campuchia sinh sống ở các khu vực ven biển gần cảng Koh Tonsay.
Chia sẻ với Khmer Times, phát ngôn viên của chính quyền tỉnh Kep là ông Chhun Chanvanthon nhận định tỉnh Kep là một trong những địa điểm du lịch biển thu hút đông du khách nhất ở Campuchia.
Cũng theo ông Chanvanthon, tỉnh Kep có 4 địa điểm chính thu hút khách du lịch và nhiều địa điểm tiềm năng khác bao gồm các hòn đảo, thác nước, rừng Kong Kang, núi non, sở thú và cơ sở hạ tầng hiện đại.
Sức hấp dẫn với du khách khi tới tỉnh Kep là do khu vực này có nhiều món ăn ngon, hệ thống giao thông thuận tiện, cơ sở nghỉ dưỡng phong phú mà tất cả đều có giá thành rẻ.
Ông Chanvanthon nói thêm chính quyền tỉnh Kep đã cho xây dựng một cảng biển tiêu chuẩn quốc tế, nơi nhiều loại tàu thuyền có thể tới neo đậu.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia, hiện có nhiều loại tàu du lịch và tàu cao tốc đang hoạt động ở tỉnh Kep.
“Tôi hy vọng khi tuyến đường biển đi vào khai thác sẽ có thêm nhiều du khách quốc tế tới tỉnh Kep, từ đó tạo thêm công ăn việc làm và nhất là bán các sản phẩm do người dân Campuchia làm ra”, ông Chanvanthon nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo phát ngôn viên Bộ Du lịch Campuchia Top Sopheak, nhằm thúc đẩy ngành du lịch quốc gia, Bộ Du lịch Campuchia sẽ tổ chức sự kiện “Quảng bá Du lịch Campuchia” ở Jakarta của Indonesia từ ngày 21 – 25/6. Đây là một phần trong chiến lược hồi sinh ngành du lịch Campuchia sau dịch bệnh Covid-19.
“Mục tiêu chính của sự kiện là thúc đẩy các lĩnh vực du lịch của Campuchia, và thu hút thêm du khách nước ngoài mà đặc biệt là du lịch thể thao, bởi Campuchia sẽ là nước chủ nhà Sea Games 2023 diễn ra vào năm tới”, ông Sopheak nói.
Cũng theo ông Sopheak, Bộ Du lịch Campuchia còn có kế hoạch tổ chức sự kiện tương tự ở Việt Nam và Singapore vào cuối năm nay.
Trước đó, theo thông cáo báo chí được Bộ Du lịch Campuchia công bố hôm 24/5, Việt Nam và Campuchia đã đồng thuận mở thêm các đường bay thẳng giữa hai nước để kết nối những địa điểm du lịch thu hút đông du khách, cũng như đáp ứng nhu cầu du lịch tăng vọt trở lại sau giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.
Ông Chhay Sivlin, Chủ tịch Hội hiệp Lữ hành Campuchia (CATA), nhấn mạnh Việt Nam nổi lên là nguồn khách quốc tế đông nhất tới Campuchia với 46.303 người trong 3 tháng đầu năm nay. Đứng thứ 2 là Thái Lan với 39.615 người. Trung Quốc rớt khỏi vị trí số 1 khi số lượng người Trung Quốc tới Campuchia trong 3 tháng đầu năm nay giảm còn 9.753 người.
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Năm 2022 đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Việt Nam - Campuchia khi hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967 - 24/6/2022) là “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam”, đồng thời cũng là năm kỷ niệm 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Hun Sen (20/6/1977 - 20/6/2022).
Minh Thu