Du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong giai đoạn 2010 - 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa.
Chỉ tính riêng năm 2019, tổng lượt khách đến các địa phương ven biển đã đạt trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước.
Việc phát triển du lịch biển đã có đóng góp lớn cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, cũng như của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân địa phương ven biển.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch biển đảo là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Theo đó, vị thế, vai trò của phát triển du lịch biển đảo tiếp tục được khẳng định là một trong những nội dung góp phần hình thành các khu kinh tế biển trọng điểm tại Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), trong thời gian qua, du lịch biển Việt Nam đã phát triển nhanh, trở thành một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy thì cho rằng, trong phát triển du lịch biển cần quan tâm đặc biệt đến bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, mỗi địa phương đều có một thế mạnh riêng, bài toán đặt ra là các tỉnh, thành, khu vực cần xây dựng sản phẩm có tính đặc thù riêng.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, thời gian tới, du lịch Việt Nam sẽ chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, thu hút khách nghỉ dưỡng cao cấp, gắn với tìm hiểu văn hóa, di sản. Nghỉ dưỡng biển là hướng đi đúng đắn để khách du lịch quay trở lại nhiều lần - điều này không những góp phần thu hút khách du lịch đến Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, đồng thời còn có một ý nghĩa quan trọng đối với an ninh, quốc phòng, khơi dậy được lòng tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường biển và nhận thức về chủ quyền quốc gia.
Tuy nhiên, để phát triển mạnh du lịch biển, ngành du lịch cần phối hợp với các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, sản phẩm du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí; đối với các đảo lớn, nhỏ cần đầu tư phát triển du lịch trải nghiệm gắn với khám phá thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái...
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra những định hướng, mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam trong 10 năm tới. Theo đó, đến năm 2025: Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700 - 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 - 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13% - 14%/năm; đóng góp trực tiếp 12% - 14% vào GDP; tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12% - 14%/năm; phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12% - 14%/năm và khách nội địa từ 6% - 7%/năm. Đến năm 2030: Tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100 - 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương 130 - 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11% - 12%/năm; đóng góp 15% - 17% vào GDP; tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8% - 9%/năm; phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 8% - 10%/năm và khách nội địa từ 5% - 6%/năm. Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. |
Hải Yến