Đồng Nai: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp ở Xuân Lộc
Thời gian qua, huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) đã tập trung thực hiện chương trình OCOP. Trọng tâm là sản phẩm nông nghiệp chủ lực tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, huyện có 7 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Trong đó, 1 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh (trứng gà Thanh Đức), 6 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh (dưa lưới Trang trại Việt, sầu riêng Xuân Định, chôm chôm Bảo Hòa, tiêu đen Xuân Thọ, xoài Đài Loan của HTX Xoài Suối Lớn và rau xà lách gai của HTX Rau Lộc Tiến) theo bộ tiêu chí xếp hạng sản phẩm của Chương trình OCOP. 2 sản phẩm tỉnh đang thẩm định là xoài Đài Loan của HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Bầu Sình, cà phê Phú Sỹ của Cơ sở Cà phê Phú Sỹ.
Người dân Xuân Lộc thu hoạch chôm chôm. |
Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện, Xuân Lộc có 36 sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Do đó, việc đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân và bổ trợ cho chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Để tiếp tục thực hiện chương trình OCOP gắn với phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025, Hội Nông dân huyện và cơ sở tập trung tuyên truyền, vận động hội viên đăng ký tham gia. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai đến bà con nông dân; khảo sát, lựa chọn mỗi xã 2 mô hình sản xuất hiệu quả để thực hiện chương trình.
Phối hợp với Phòng NN&PTNN huyện hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác, CLB năng suất cao trên địa bàn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững theo tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP; hỗ trợ kỹ thuật truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và đăng ký chứng nhận sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Lãnh đạo UBND huyện Xuân Lộc cho biết, để giúp nông dân có thể làm giàu bằng sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với sản phẩm chủ lực; tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tổ chức sản xuất theo hướng trang trại, HTX, tổ hợp tác và gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch, dịch vụ.
N.Hải