Đồng Nai chưa phát hiện vụ mua bán người nào trong Quý 1/2020
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, công tác triển khai phòng chống mua bán người, cũng như quá trình thực hiện công tác hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Liên quan đến công tác phòng chống mua bán người, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết thời gian qua đã kịp thời ban hành nhiều kế hoạch triển khai cụ thể, cùng với đó là thực hiện tốt công tác tuyên tuyền, giáo dục nên trong quý 1 vừa qua trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ mua bán người nào.
Nhằm làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành tham mưu thực hiện tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để các đơn vị liên quan, địa phương căn cứ triển khai thực hiện đạt hiệu quả.
Quý 1/2020, tỉnh Đồng Nai chưa phát hiện vụ mua bán người nào. (Ảnh minh họa) |
Sở cũng tiếp tục phối hợp các sở, ngành có liên quan để tổ chức rà soát, thống kê số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, cho và nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, số nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài và số trở về địa phương, số nghi bị mua bán để tiếp cận và tạo điều kiện cho nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ pháp lý, tư vấn, y tế, giáo dục, được hỗ trợ chữa trị, dạy nghề, được vay vốn, tạo việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Thời gian qua, Sở cũng đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống mua bán người để các ngành, địa phương căn cứ triển khai thực hiện. Đồng thời phối hợp với Công an tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các sở, ngành có liên quan và các địa phương triển khai đồng bộ kế hoạch phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh. Chủ động phối hợp các đơn vị có liên quan rà soát, thống kê số nạn nhân nhằm tiếp cận và có kế hoạch trợ giúp cho các đối tượng được học nghề, vay vốn và giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng (nếu có).
Cùng với đó, thường xuyên tổ chức chỉ đạo việc lồng ghép các nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình kinh tế - xã hội ở địa phương để hỗ trợ tư vấn dạy nghề, giải quyết việc làm cho nạn nhân; đồng thời hướng dẫn, quản lý, thanh tra, kiểm tra công tác giới thiệu việc làm, đưa người đi xuất khẩu lao động… nhằm phòng, chống việc lợi dụng hoạt động này để mua bán người.
Tuy nhiên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, còn nhiều tồn tại trong công tác phòng chống mua bán người bởi ình hình tội phạm mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng với những phương thức. Thủ đoạn hết sức tinh vi, có sự móc nối giữa các đối tượng ở trong nước với đối tượng nước ngoài, ở trong nước có sự thỏa thuận giữa các đối tượng với nhau với các hình thức tinh vi.
Bên cạnh đó, trình độ nhận thức về pháp luật của một bộ phận quần chúng nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người xuất khẩu lao động còn thấp nên công tác phòng, ngừa tệ nạn mua bán người còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, hệ thống thu thập thông tin, dữ liệu nạn nhân bị mua bán trở về hiện nay còn rất bất cập. Cán bộ công tác Lao động - Thương binh và Xã hội ở xã, phường, thị trấn do kiêm nhiệm nên chưa rà soát nắm được hết thông tin kịp thời về danh sách nạn nhân bị mua bán trở về cũng như đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán tại địa phương.
Mặt khác, nạn nhân và gia đình thường có tâm lý tự ti, mặc cảm, che giấu, không sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng, với các đoàn thể ở địa phương nên gặp không ít khó khăn trong việc nắm bắt tình hình và tiếp cận đối tượng cũng như giải pháp hỗ trợ, nhất là nạn nhân được giải cứu từ nước ngoài trở về.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho hay, những tồn tại nêu trên đồng thời cũng là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán.
Minh Thư