Đồng hành cùng con phòng chống tai nạn thương tích
Phần lớn các trường hợp tai nạn thương tích trẻ em xảy ra là do sự bất cẩn của người lớn. Với bản tính thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng, phòng tránh nên trẻ em rất dễ bị tai nạn thương tích.
Nếu người lớn bất cẩn trong quá trình chăm nom trẻ thì dù ở môi trường nào trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn như: bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, bị điện giật do cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang…
Chị Nguyễn Thị Phương ( Hà Đông, Hà Nội) cho biết hai bé nhà chị đi học tại trường tiểu học công lập, thời gian học tập của con hầu như chỉ là kiến thức cơ bản, ít được đào tạo các kỹ năng về phòng tránh thương tích, các kỹ năng sống cần thiết.
Chị Phương đã đầu tư cho con đi học ở bên ngoài. Nhìn hai con ngày càng thành thục các kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích cho mình bà mẹ này vô cùng hài lòng.
Con biết cách sử dụng bếp ăn an toàn, con biết các cách phòng tránh tai nạn cháy nổ, cách thoát khỏi đám cháu. Thậm chí, hai bé chưa tới 10 tuổi có thể hướng dẫn lại cho cha mẹ.
Con trai của chị còn được hướng dẫn cách bảo vệ người thân, cách tự bảo vệ mình khi gặp kẻ xấu tấn công. Con gái chị cũng biết cách tự bảo vệ bản thân, cách nhận diện kẻ xấu, phòng được nguy cơ bị xâm hại, con được hướng dẫn làm gì khi người khác chạm vào vùng kín của mình, bảo vệ không cho người khác động vào vùng kín, biết cách chạy nhanh tới chỗ đông người để giúp trẻ bảo vệ bản thân.
Chị Phương cho rằng việc cho con đi học các khoá kỹ năng sống như vậy rất tốt, con có điều kiện hiểu thêm các kiến thức sống cơ bản thay vì chỉ tập trung học các môn cơ bản ở trường.
Sau hai tháng đi học, chị Hương thấy con có thể nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Bé biết cách bảo vệ bản thân, biết tôn trọng cơ thể mình và tôn trọng những người xung quanh.
Chị Phương cũng được các chuyên gia của lớp hưứng dẫn cách sơ cứu khi con gặp phải các tai nạn thương tích trong cuộc sống như bỏng, hóc dị vật, đuối nước.
Với chị, đây thực sự là kỹ năng quý vì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu cha mẹ không biết sơ cứu thì con gặp nguy hiểm.
Chị Minh Hiền – Trung tâm phòng chống tai nạn thương tích trẻ em Hà Nội cho biết bình thường người ta vẫn nghe tới khái niệm bị lạm dụng, xâm hại, bạo hành nếu ở lý thuyết hàn lâm người lớn còn khó hiểu nên với trẻ nhỏ, để trẻ hiểu được qua các buổi học lý thuyết, cần thực hành thực tế.
Trẻ cần được thực hành, được trải nghiệm các tình huống thực tế giúp trẻ nhớ lâu hơn, trẻ có thể hình thành phản xạ đúng đắn khi gặp các tình huống không may trong cuộc sống hàng ngày.
Chị Hiền cũng cho rằng phụ huynh cần trang bị thêm kiến thức cho chính mình để cùng con có những trải nghiệm, có cách sơ cứu, hướng dẫn con phòng chống bị xâm hại, tai nạn thương tích.
Ngoài việc cung cấp môi trường sống an toàn cho trẻ trong gia đình, trẻ cần luôn có sự quan tâm giám sát, trông nom của bố mẹ hoặc người trông trẻ, để giảm tối đa khả năng trẻ có thể tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ một cách dễ dàng.
Vì độ tuổi các con đang còn nhỏ nên các con chưa thể ý thức được cách phòng tránh tai nạn thương tích vì thế để các con luôn an toàn, khỏe mạnh và phát triển toàn diện thì biện pháp tối ưu nhất vẫn là sự quan tâm, và đặc biệt chú ý của các bố mẹ, ngoài ra các bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện, dạy trẻ nhận biết những nơi không an toàn, dạy cho trẻ các kỹ năng trong vui chơi, sinh hoạt để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm của những đồ dùng, đồ chơi, trò chơi không an toàn để từ đó trẻ hiểu và có kỹ năng phòng tránh.
K.Chi