Đông đảo Việt kiều tham gia cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo
Cụ thể, rất nhiều học giả có uy tín đã đăng tải nhiều bài viết, bài phân tích có giá trị về vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa. Điển hình như ông Lê Hữu Chương ở Paris (Pháp) hoặc nhiều học giả khác ở Mỹ... Đây là kênh thông tin giúp mọi người nhìn rõ hơn bản chất của vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa.
Cũng có nhiều Việt kiều tình nguyện tặng lại những tư liệu quý và đắt giá để sau này trưng bày, quảng bá, tuyên truyền rộng rãi hơn, giúp nhiều người hơn nữa hiểu đúng về chủ quyền biển đảo.
Một trong những tài liệu quý vừa được ông Trần Thắng, Chủ tịch Hội Văn hóa Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ tặng Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. Ảnh: Internet. |
Đặc biệt như ông Trần Thắng, kỹ sư cao cấp thiết kế động cơ cho một hãng hàng không quân sự Hoa Kỳ, Chủ tịch Hội Văn hóa Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ, đã bỏ hàng nghìn đô la Mỹ để sưu tầm bản đồ, atlas rồi tặng lại cho Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. Mới đây, Viện đã chính thức tiếp nhận 90 tấm bản đồ do ông Trần Thắng trao tặng. 90 tấm bản đồ này được in ấn tại các quốc gia: Anh, Ðức, Úc, Canada, Mỹ và Hong Kong trong khoảng thời gian từ năm 1626 - 1980, có kích thước từ 20cm x 25cm đến 60cm x 75cm. Những bản đồ này gồm 3 nhóm: Một là những bản đồ Trung Quốc trong đó xác định lãnh thổ của Trung Quốc được giới hạn đến cực nam của đảo Hải Nam. Hai là những bản đồ Việt Nam xác định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Và ba là bản đồ toàn khu vực Đông Nam Á, trên đó có thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngoài bản đồ, ông Trần Thắng còn phát hiện ba tập Atlas (tập bản đồ) do chính quyền Trung Quốc xuất bản trong đó không có Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những tư liệu quý giá, bằng chứng thuyết phục để khẳng định chủ quyền biển đảo toàn vẹn của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau khi thông tin về việc ông Trần Thắng tặng bản đồ nêu trên được đăng tải trên mạng Internet, đã có chuỗi hiệu ứng cộng đồng xã hội khá lớn mạnh. Một cá nhân giấu tên ở Hà Lan cũng đã liên hệ với Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng để tặng bản đồ cổ.
Nhiều người ở Mỹ, Úc... không có hiện vật nhưng cũng đã liên hệ để chỉ nơi có bản đồ, tài liệu, cách khai thác các tài liệu này. Chẳng hạn như bà Phan Thị Ngọc Trân, vợ của ông Nguyễn Bá Trung, đồng giám đốc chương trình đưa các nhà văn Việt Nam sang Mỹ để nghiên cứu và sáng tác, đã hỗ trợ để cán bộ của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng có thể vào kho tư liệu của thư viện Harvard để chụp tài liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa.