Xử lý tài xế xe Mercedes truy đuổi, tông chết người ở Phan Thiết như thế nào?
Theo luật sư, với hành vi của Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh cao hơn là Tội giết người, hành vi giết người mang tính côn đồ của đối tượng được xác định là tình tiết tăng nặng đối với tội danh này.
Chiều 12/5, Phạm Văn Nam (SN 1979, quê Ninh Bình) đã đến Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Thuận đầu thú. Đây chính là nghi phạm đã lái xe Mercedes đâm ông Hà Xuân H. (SN 1979, ngụ TP Phan Thiết, Bình Thuận) tử vong rạng sáng cùng ngày.
Đối tượng Nam tại cơ quan công an. |
Tại cơ quan công an, Phạm Văn Nam khai, tối 11/5, Nam cùng 3 người bạn đi ăn nhậu tại một quán ở phường Phú Thủy, TP Phan Thiết. Đến khoảng 0h15 sáng 12/5, Nam cùng nhóm bạn ra đường Phạm Văn Đồng (khu vực bờ kè Phan Thiết) để ăn uống tiếp.
Trên đường đi, xe ô tô của nhóm suýt xảy ra va chạm với xe máy chạy cùng chiều phía trước. Do sự cố chưa xảy ra nên ô tô này tiếp tục chạy đến quán ăn ở khu vực bờ kè Phan Thiết. Khi vừa dừng xe trước quán ăn, nhóm của Nam bị những người đi xe máy đuổi kịp, dùng bàn ghế, ly chén lao vào hành hung.
Nam thoát ra được và lên ô tô, điều khiển xe chạy lòng vòng đâm vào nhóm người đi xe máy làm anh H. tử vong tại chỗ. Sau đó, Nam rời hiện trường về TPHCM.
Đến sáng 12/5, Nam đã chủ động liên hệ Công an tỉnh Bình Thuận ra trình diện. Hình ảnh camera ghi lại cũng thể hiện, khi ô tô vừa tấp vào trước quán nhậu thì có nhóm đi xe máy đến, sau đó 2 bên xảy ra cự cãi, đánh nhau. Phạm Văn Nam đã lên ô tô điều khiển tông vào xe máy của nhóm kia và lái xe lao lên lề, xoay vòng để truy đuổi. Một số người đàn ông cầm ly ném vào ô tô.
Khu vực hiện trường xảy ra vụ án. |
Trao đổi với PV Infonet về vụ án nêu trên, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Theo Điều 5 Luật phòng chống tác hại của rượu, bia quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Theo như lời khai ban đầu của Nam thì trước đó đối tượng đã ăn nhậu với bạn bè. Dù chưa có kết luận điều tra của cơ quan công an nhưng giả thiết về việc Nam sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là có căn cứ. Hành vi của đối tượng Nam điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia được xác định là hành vi phạm điều cấm của luật”.
“Trên đường di chuyển tới địa điểm nhậu tiếp theo thì chiếc xe ô tô do Nam Điều khiển đã suýt gây ra va chạm với xe máy chạy cùng chiều phía trước. Mặc dù chưa có thiệt hại về người và tài sản nhưng tình tiết này cho thấy khả năng phản ứng, kiểm soát tay lái của đối tượng có thể đã bị ảnh hưởng bởi rượu, bia.
Điều thường thấy nhất ở người sử dụng rượu, bia quá nhiều dẫn đến mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động. Họ bị ảo giác, hoang tưởng cho rằng mình bị đe dọa và hãm hại từ những người xung quanh, thường có cảm xúc bất an, lo âu, giận dữ, thậm chí có những suy nghĩ, hành động độc ác, hành xử vượt quá lý trí bình thường”.
Từ những căn cứ nêu trên, luật sư Hoàng Tùng phân tích: “Hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng Nam được thể hiện lỗi cố ý trực tiếp, gây mất an ninh trật tự, xâm phạm an toàn giao thông, xâm phạm tính mạng của con người. Đối với hành vi này, đối tượng Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Bởi lẽ, Khi Nam cùng bạn bè bị các đối tượng khác đuổi đánh, đối tượng có thể lái xe tẩu thoát nhưng lại cố tình thực hiện hành vi chạy xe lòng vòng, đâm vào nhóm người đang truy đuổi và gây ra tai nạn khiến anh H tử vong tại chỗ.
Đây là hành vi vô cùng đáng lên án bởi nó thể hiện sự “điên cuồng” của đối tượng. Hành vi bộc lộ tính côn đồ, độc ác, coi thường tính mạng con người, bất chấp hậu quả để thể hiện hơn thua. Không chỉ vậy, khi gây ra tai nạn chết người đối tượng lại vội vã chạy chốn rời bỏ hiện trường để trốn tránh trách nhiệm mà không cứu giúp anh H.
Việc làm rõ người bị tử vong là anh H có thuộc nhóm người truy đuổi đối tượng hay không có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định động cơ, mục đích trong hành vi của đối tượng.
Theo Điều 13 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Uống rượu, bia được xác định là tình tiết định khung hoặc tăng nặng ở một số tội phạm trong Bộ Luật Hình sự như Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260). Tuy nhiên, đối với vụ việc này, đối tượng Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh cao hơn là Tội giết người, hành vi giết người mang tính côn đồ của đối tượng được xác định là tình tiết tăng nặng đối với tội danh này”.
Tân Trường