Làng đào Nhật Tân vào mùa tuốt lá, nghe tưởng dễ nhưng phải làm cực khéo mới "ăn tiền"
Vào những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11 âm lịch, nhiều làng trồng hoa đào ở Hà Nội lại tất bật với công việc chăm sóc, tuốt lá để đào kịp bung hoa đón Tết Nguyên đán.
Là một trong những vùng trồng hoa Tết lâu năm nổi tiếng của Hà Nội, làng đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn giữ được nét truyền thống qua bao đời. Hoa đào Nhật Tân đã trở thành nét riêng, một thương hiệu của Hà thành.
Những ngày này, người dân làng đào Nhật Tân, Phú Thượng (Hà Nội) lại bắt đầu tất bật với công đoạn chăm sóc, tuốt lá đào để chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán. |
Để hoa không "lỡ hẹn" dịp Tết, người trồng đào phải chớp thời gian để tuốt lá, chăm sóc cẩn thận. Cuối tháng 10 âm lịch, chủ các vườn đào đã rục rịch thuê người tuốt lá đúng thời gian "vàng". Thời điểm tuốt lá chiếm đến 70% tỷ lệ thành công của vườn đào nên phải tính toán thật cẩn thận. Đây cũng là thời điểm những người có thời gian rảnh rỗi như sinh viên, người làm việc thời vụ có thời gian rảnh rỗi tranh thủ nhận việc kiếm thêm thu nhập.
Người dân trồng đào phải chớp thời gian để tuốt lá, chăm sóc cẩn thận để đào nở hoa đúng dịp Tết. |
Theo những người làm vườn lâu năm, thông thường đào sẽ được tuốt lá trước thời điểm Tết khoảng 40-50 ngày. Tuy nhiên, tùy từng giống đào mà thời gian này khác nhau. Có loại đào phải tuốt trước Tết khoảng 90 ngày.
Đào thường được tuốt lá trước thời điểm Tết khoảng 40-50 ngày để sai nụ và nở hoa đúng dịp Tết. |
"Những ngày gần đây, gia đình tôi luôn có khoảng 10 người tuốt lá đào chuẩn bị cho Tết. Năm nay thời tiết thay đổi nên thời gian tuốt lá đào muộn hơn so với mọi năm, thời tiết càng lạnh thì thời gian tuốt lá càng muộn", anh Nguyễn Tuấn - một người trồng đào ở quận Tây Hồ cho biết.
Để ra một cây đào hoa nở đúng dịp và nhiều nụ, người trồng đào phải nắm rõ đặc tính, theo dõi diễn biến thời tiết và chăm sóc vô cùng kỳ công. |
Mỗi năm chỉ có một dịp "thu hoạch" nên người trông đào luôn rất cẩn thận trong từng công đoạn chăm sóc như: làm đất, bấm ngọn, tạo thế, tuốt lá,... Thời gian quyết định chuyện thắng thua của một vụ đào chính là 2 tháng cuối năm, nhất là thời kì tuốt lá.
Lá đào rụng rất nhiều về mùa đông. |
Đào thuộc loại cây rụng lá hàng năm về mùa đông nhưng để cây sai nụ và nở hoa đúng dịp Tết thì chủ vườn phải chủ động tuốt lá.
Sau khi lá rụng, nụ hoa phát triển và lớn nhanh. Nếu cứ để tự nhiên thì đào rụng lá vào cuối tháng Chạp và hoa nở vào cuối tháng Giêng hoặc tháng Hai năm tới. Do vậy, muốn có hoa đẹp trong dịp Tết, đi đôi với việc "hãm cây", người trồng đào phải tuốt lá trước một thời gian. Thời gian đó dài hay ngắn tùy giống, tùy cây mạnh hay yếu, cây tơ hay già.
Người tuốt lá đào cần phải bảo vệ mắt hoa ở cuối nách lá. Nên bứt từng lá chứ không được một tay tuốt lá thẳng từ đọt xuống, bởi làm như vậy sẽ làm tổn thương mầm hoa.
Người tuốt lá đào cần phải bảo vệ mắt hoa ở cuối nách lá. |
Chị Ngọc Anh - một người dân có kinh nghiệm đi tuốt lá đào nhiều năm chia sẻ: "Tôi tuốt xong đào của nhà tôi rồi mới đi tuốt thuê cho người khác. Năm nay thời tiết khó đoán nên cũng chưa biết được thế nào, nhưng theo tôi bây giờ tuốt lá là hợp lý nhất".
Vào thời điểm này, rất nhiều người đi tuốt lá đào thuê. |
Mỗi người đi tuốt lá đào thường được thuê làm 8 tiếng mỗi ngày với mức giá dao động 200 - 350 nghìn đồng/ngày. Một số sinh viên ở gần làng đào tranh thủ ngày nghỉ cũng đi tuốt lá đào để tăng thêm thu nhập. Có hộ trồng đào phải chi hàng triệu đồng mỗi ngày cho việc thuê người tuốt lá đào.
Mỗi người đi tuốt lá đào thường được thuê làm 8 tiếng, mức giá thuê khoảng 200-350 nghìn đồng/ngày. |
Những chậu đào đã được tuốt, chờ đến ngày nở hoa. |
Các hộ trồng đào gần nhau cũng giúp nhau tuốt lá đào cho kịp thời điểm "vàng". Trong một tuần các nhà sẽ tuốt đổi, nay xong nhà này, mai tới nhà khác. Cách làm này giúp các hộ trồng đào đảm bảo thời gian tuốt lá tốt nhất cho cây mà tiết kiệm được chi phí thuê người.
Bảo Khánh