Hà Tĩnh: 46 tỷ cấp bách xử lý đê Tân Long, vừa thi công đê đã 'há miệng', sụt hàm ếch
Mặc dù được đầu tư 45,9 tỷ đồng cho Dự án xử lý cấp bách đê Tân Long (Hà Tĩnh) nhưng chỉ sau ít tháng thi công, mặt đê đã bị nứt nẻ, hai bên mái bị xói lở, tạo nên những hầm ếch lớn
Công trình đê Tân Long được đầu tư gần 46 tỷ đồng nhưng có dấu hiệu kém chất lượng |
Dự án xử lý cấp bách đê Tân Long có chiều dài gần 3km, điểm đầu tại thôn Đình, điểm cuối tại đường Tỉnh lộ 8B thuộc thôn Nam Đoài, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tổng mức đầu tư gần 46 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 35,5 tỷ.
Theo hồ sơ thiết kế, mặt đường đỉnh đê có chiều rộng 5m, kết cấu bằng bê tông xi măng M250, đá 1x2, dày 20 cm, phía dưới lót bạt xác rắn. Tiếp đến là lớp cấp phối đá dăm dày 15 cm và phía dưới cùng là lớp đất đầm chặt K98, dày 30cm. Cứ 5m bố trí 1 khe co dãn.
Mái đê phía sông có hệ số m=2,5. Các đoạn xung yếu dài khoảng 2,3km được gia cố bằng đá lát khan dày 30cm trong khung bê tông cốt thép M200 đá 1x2. Phía dưới là lớp đá dăm (2x4) dày 10cm, dưới cùng là lớp vải địa kỹ thuật. Các đoạn còn lại và mái đê phía đồng được trồng cỏ để bảo vệ.
Đoạn đầu tuyến với chiều dài gần 700m, do Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh (người đại diện pháp luật là ông Trần Xuân Đình, địa chỉ tại xóm Tiền Tiến, xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh) thi công cơ bản đã hoàn thiện.
Tuy nhiên, mặc dù mới được đổ bê tông từ đầu tháng 9/2021, nhưng tuyến đê đã bộc lộ nhiều dấu hiệu kém chất lượng. Rất nhiều vị trí đã bị nứt nẻ (gãy kết cấu), chạy từ bên này sang bên kia mặt đê. Để khắc phục hư hỏng, đơn vị thi công đã cho khoan cắt để xử lý nhưng không đúng theo biên bản thống nhất của các đơn vị liên quan.
Đoạn đầu tuyến với chiều dài gần 700m, do Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công có cả chục điểm nứt nẻ từ bên này sang bên kia mặt đê |
Đơn vị thi công đã cho khoan cắt để xử lý nhưng không đúng theo biên bản thống nhất của các đơn vị liên quan. |
Bị gãy kết cấu nhưng chỉ xử lý nửa vời nên có một số chỗ sau khi đổ bê tông vẫn bị nứt nẻ tiếp. |
Thấy PV đang ghi nhận hình ảnh, một người dân đi qua phản ánh bê tông đổ sửa đê kém chất lượng.
Để chứng minh cho lời nói của mình, tại vị trí nhà thầu cắt ra để xử lý nứt nẻ, người này đã dùng tay bấu vào gờ bê tông để gỡ, một mẩu bê tông bong ra khỏi kết cấu và dễ dàng vỡ vụn khi đập nhẹ xuống mặt đê.
Người này cũng cho rằng, nhiều chỗ của tuyến đê này không đủ bề dày theo thiết kế. Ướm bằng điện thoại di động, mặt đường đê có bề dày khoảng hơn 18cm.
Dùng tay không cũng có thể gỡ được bê tông ra khỏi kết cấu mặt đường. |
Mặt đường đê có bề dày khoảng hơn 18 cm. |
Phần mái đê phía đồng và mái đê phía sông đoạn không xung yếu được triển khai trồng cỏ. Tuy nhiên, chỉ vài trận mưa nhỏ đầu mùa, hai bên lề đã bị xói lở rất nặng. Nền đường nhiều đoạn bị khoét sâu vào khoảng trên 40cm, có chỗ lộng sâu vào bên trong, gây mất an toàn cho người dân mỗi khi qua lại.
Để khắc phục vấn đề này, đơn vị thi công đã sử dụng máy xúc, múc đất từ dưới chân đê để đắp vào. Đây là loại đất phù sa có pha cát nên không đảm bảo chất lượng theo hồ sơ thiết kế.
Phần gia cố bằng đá lát trong khung bê tông cốt thép mái đê phía sông cũng không đạt yêu cầu do đá hộc không đủ lớn, sử dụng quá nhiều đá nhỏ để chèn, khi lũ về, nước chảy xiết rất dễ bị cuốn trôi. Đoạn gia cố bằng rọ đá có dấu hiệu bị sụt nền, tạo nên độ lệch về mặt bằng giữa khóa mái trên và rọ đá.
Chỉ vài trận mưa nhỏ, hai bên lề đã bị xói lở rất nặng, có chỗ bị khoét sâu vào khoảng trên 40cm |
Đơn vị thi công múc đất từ dưới chân đê để đắp vào những chỗ bị sạt lở. |
Đoạn gia cố bằng rọ đá có dấu hiệu bị sụt nền, tạo nên độ lệch về mặt bằng với khóa mái. |
Công trình hoàn thành không những có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong vùng, mà còn là tuyến giao thông quan trọng, giúp nhân dân đi lại thuận tiện, tạo điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện môi trường sinh thái cho khu vực.
Đường sụt lún như ruộng cày, người dân xắn quần quá gối lội nước
Những hố sâu chi chít, bùn đất trơn trượt, nhựa bong tróc, "sống trâu" gồ ghề... trên tuyến đường dân sinh xuống cấp ở Thanh Hóa khiến người dân thót tim mỗi khi lưu thông.
Trần Hoàn