CSGT xử phạt người không đeo khẩu trang căn cứ quy định nào?
Sau khi CSGT nhiều địa phương xử phạt người đi đường không đeo khẩu trang, rất nhiều người thắc mắc: CSGT xử phạt người không đeo khẩu trang căn cứ quy định nào, CSGT có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế không?...
Tối 1/6, Đội CSGT Hàng Xanh cũng nhắc nhở nhiều trường hợp không đeo khẩu trang. (Ảnh: M.H)
Vừa qua, lực lượng CSGT nhiều địa phương đã tiến hành xử phạt người tham gia giao thông không đeo khẩu trang. Tại TP.HCM, CSGT bắt đầu triển khai từ ngày 1/6 với mức phạt từ 1 đến 3 triệu đồng.
Nhiều bạn đọc bày tỏ thắc mắc: "Việc này căn cứ vào quy định nào?", "Việc CSGT xử phạt như vậy có đúng không?".
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trương Văn Tuấn - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, lực lượng CSGT có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Cụ thể, tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ 9 chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: Ủy ban nhân dân, Cơ quan Thanh tra, Quản lý thị trường, Công an nhân dân, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cơ quan Thuế, Cơ quan Bảo hiểm xã hội.
"Như vậy, lực lượng Cảnh sát giao thông có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế căn cứ theo Điều 106 (thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân)", luật sư Tuấn khẳng định.
Từ ngày 1/6, người tham gia giao thông ra đường mà không đeo khẩu trang sẽ bị CSGT TP.HCM xử phạt 1 đến 3 triệu đồng.
Theo đó, đối với hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế” (hành vi không đeo khẩu trang) sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nêu trên là Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông cấp huyện với mức phạt từ trên 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng (Khoản 2 Điều 106) hoặc Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt với mức phạt từ trên 1.500.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đối với hành vi Không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (trừ các trường hợp quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế) sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nêu trên là Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh, gồm: Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Khoản 4 Điều 106).
Ngày 17/5, lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin, đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trong công tác TTKS, đảm bảo trật tự ATGT. Đồng thời, xử nghiêm các vi phạm phòng chống dịch đối với người tham gia giao thông.
Theo đó, qua công tác tuần tra kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính, đăng ký xe, xử lý TNGT… lực lượng CSGT đã đề nghị cá nhân, tổ chức đến liên hệ công tác phải thực hiện khai báo y tế, chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
CSGT sẽ tăng cường xử lý hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế như không đeo khẩu trang khi tham gia giao thông trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Mức phạt đối với hành vi không đeo khẩu trang khi tham gia giao thông sẽ xử phạt từ 1-3 triệu đồng/người/lần theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Theo www.baogiaothong.vn