Đổi mới thi cử: Phải hoàn thiện sớm để HS chuẩn bị
“Đổi mới phải gắn với thi đại học, tiến tới phát huy tự chủ của các trường đại học nhưng phải tạo công bằng cho xã hội. Từ đó, việc đổi mới tạo động lực thúc đẩy tiến tới các cháu học đều hết, không học lệch, nhưng vẫn phát huy được năng lực, năng khiếu của mình”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định nền giáo dục nước nhà có những thành tích đáng tự hào, xã hội trân trọng kết quả đạt được của ngành giáo dục. Báo cáo sơ kết học kỳ 1, và kết quả đạt được của Việt Nam tại kỳ thi PISA không phải quốc gia nào cũng đạt được.
Phó thủ tướng nhận định, ta nhìn nhận đúng hạn chế, nhưng có đủ tự tin, với quyết tâm và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng sự đồng lòng của đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên ngành Giáo dục và sự hỗ trợ của toàn xã hội, chúng ta đủ tự tin đổi mới căn bản, toàn diện nền Giáo dục nước nhà.
Liên quan đến giáo dục mầm non, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "Cần huy động các nguồn lực, ý thức trách nhiệm của các cấp trong triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất, sáng tạo trong triển khai tại địa phương… để đến năm 2015 đạt được mục tiêu này. Cùng đó là việc chú trọng hơn nữa cho đời sống, chế độ giáo viên – đặc biệt là giáo viên mầm non.
PTT Vũ Đức Đam: Bộ sớm đưa ra phương án thi tốt nghiệp để học sinh thi lâu dài |
Theo mục tiêu đã đặt ra của Nghị quyết T.Ư 8 (khóa XI), Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn sau Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh tiếp tục quan tâm quyết liệt, sát sao đến công tác GD - ĐT ở địa phương. “Tôi tin rằng ta cũng đã có một bước để thấy kỳ thi phổ thông hướng tới không căng thẳng nhưng vẫn đảm bảo đánh giá một cách trung thực” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định.
Ông cũng cho rằng hiện nay, Bộ GD-ĐT đang chọn đổi mới cách học, chọn đổi mới thi là đột phá mà học gì thì thi ấy nên làm sao tiến tới càng ít kỳ thi càng tốt. Nếu còn các kỳ thi thì không phải nặng nề trên mức cần thiết.
Ông cũng lấy ra ví dụ việc miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh cũng có nhiều bất cập. “Thi bớt môn đi ai nghe cũng phấn khởi nhưng thực tế 98% đỗ tốt nghiệp thì tại sao phải đặt vấn đề miễn. Thậm chí đặt ra không nên miễn cho bất kỳ ai”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý rằng tuy nền giáo dục Việt Nam có những đặc thù riêng nhưng khi thế giới đã đúc kết kinh nghiệm có tính phổ quát thì nên học tập, vận dụng. “Học tập là không sao chụp nguyên văn nhưng phải khẩn trương và có lộ trình phù hợp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng đưa ra ví dụ ở các nước tiên tiến, sau khi học sinh hoàn thành chương trình phổ thông chỉ cần một bài thi đánh giá tổng hợp kiến thức nhưng vẫn phát hiện phẩm chất của từng em. Thậm chí, kỳ thi này nhà nước không cần phải đứng ra mà do các công ty tư nhân tổ chức thi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta không thể mơ là ngay trong ngày hôm nay chúng ta có đủ trình độ để ra những bài thi tổng hợp như vậy. Việc đổi mới phải có lộ trình, nhưng phải hướng tới có thang đo đánh giá kiến thức toàn diện của học sinh nhanh nhất, đơn giản nhất”.
“Chúng ta đừng có ngại làm thi thì tốn kém, mệt nhọc. Nếu sự tốn kém, mệt nhọc là cần thiết để thúc đẩy học sinh học tập, để tuyển lựa được các học sinh xứng đáng thì chúng ta không ngại”, Phó Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo ngành giáo dục.
“Việc Bộ GD-ĐT chọn đổi mới công tác thi cử là bước đột phá cũng rất có ý nghĩa. Đổi mới thi cử cần làm trước một bước để tạo xung lực mạnh, lan tỏa đổi mới cái khác. Tôi cho rằng Bộ lựa chọn như vậy là đúng”- Phó Thủ tướng khẳng định - "Bộ GD-ĐT hãy bàn thật kỹ, sớm nhất từ sang năm có phương án thi lâu dài việc công bố đổi mới muộn nhất trước khi khai giảng. Tốt nhất là trước khi nghỉ hè để các em biết rằng nếu đổi mới thi cử thì sẽ thi như thế nào".