Doanh nghiệp xăng dầu vừa bị xử phạt nặng có mối quan hệ thế nào với PV Oil?
Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau vừa bị xử phạt về hành vi gian lận trong kê khai hệ thống phân phối và kinh doanh xăng dầu; đồng thời phải nộp số tiền do thu lợi bất hợp pháp vì vi phạm lên tới gần 8,7 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Công Thương vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau (mã chứng khoán: CMV) do hành vi gian lận trong kê khai hệ thống phân phối và giấy phép kinh doanh xăng dầu hết hiệu lực.
Theo đó, CMV bị xử phạt hành chính số tiền lần lượt 50 triệu đồng và 90 triệu đồng đối với hành vi gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối và kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp này còn bị buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2022. Số tiền này được cơ quan chức năng xác định lên đến gần 8,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, CMV đã vi phạm nhiều lần các hành vi trên nên được coi là tình tiết tăng nặng.
Theo giới thiệu của doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau là doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội thương. Ngoài trụ sở tại Cà Mau, công ty có văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh và hàng loạt chi nhánh tại các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang với 49 cửa hàng đơn vị trực tiếp kinh doanh, cùng hàng nghìn đại lý tại các tỉnh phía Nam.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu từ hoạt động kinh doanh của công ty giảm từ hơn 4.728 tỷ đồng năm 2019 xuống còn 3.873 tỷ đồng năm 2021. Trong đó, doanh thu đến từ 2 mảng kinh doanh chính là doanh thu bán hàng bách hóa, doanh thu bán hàng xăng dầu với tỷ trọng lần lượt là 72,63% và 19,81% trong tổng doanh thu của công ty.
Công ty kinh doanh trên 3.000 mặt hàng thuộc đủ nhóm ngành hàng. Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh xăng dầu (dầu, dầu nhờn), khí dầu mỏ hóa lỏng và vỏ bình gas; kinh doanh cửa hàng bách hóa, kinh doanh ngành nghề khác và cung cấp dịch vụ.
Đặc biệt, phương thức bán hàng trả góp, khách hàng mua sắm các sản phẩm điện máy, hàng gia dụng của công ty chủ yếu là lao động bình dân ở Cà Mau.
Ngoài kinh doanh xăng dầu, mặt hàng điện máy là một trong những sản phẩm kinh doanh chính của Thương nghiệp Cà Mau. |
Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau được cổ phần hoá từ năm 2007 và hiện có vốn điều lệ 182 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Long Hưng (Công ty Long Hưng) là cổ đông nắm giữ lớn nhất 51%, tiếp đến là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) thuộc sở hữu 16,17% vốn.
CMV trở thành công ty con của Công ty Long Hưng kể từ tháng 1/2019 sau khi doanh nghiệp này liên tục mua vào cổ phiếu để nắm giữ cổ phần chi phối doanh nghiệp. Đến nay, Long Hưng sở hữu 51% vốn điều lệ tại CMV, tương ứng hơn 9,25 triệu cổ phiếu. PV Oil Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (VPN) là cổ đông lớn thứ hai nắm giữ 16,17%, tương ứng hơn 2,93 triệu cổ phiếu.
Trong số các cổ đông cá nhân nắm giữ cổ phần tại CMV, đáng chú ý nhất là bà Nguyễn Thị Việt Ánh, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người sở hữu 3,57%, tương đương 64.419 cổ phiếu.
Về số cổ phần CMV do PV Oil đang sở hữu, tháng 3/2022 PV Oil từng công bố kế hoạch đấu giá toàn bộ hơn 2,93 triệu cổ phần CMV với giá khởi điểm dự kiến 26.300 đồng/cp, dự kiến thu về gần 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay PV Oil vẫn chưa thể thoái vốn thành công.
Tuy nhiên, cũng nhờ thông tin PV Oil thoái vốn mà cổ phiếu CMV tăng giá mạnh. Tại thời điểm đó, giá cổ phiếu CMV tăng hơn 34% trong vòng chưa đầy một tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại giá cổ phiếu CMV đã giảm khoảng 35% so với mức đỉnh lập được vào hồi tháng 3/2022. Tại phiên giao dịch hôm nay 8/9, giá cổ phiếu CMV chỉ còn 14.150 đồng/cp.
Hiện CMV sở hữu 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Bách Việt và Công ty Cổ phần In Bạc Liêu. Tại Công ty Bách Việt, CMV góp vốn 12 tỷ đồng và sở hữu 100% vốn cổ phần. Còn tại Công ty In Bạc Liêu, CMV góp 5,49 tỷ đồng và sở hữu 55,03% vốn điều lệ.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 của CMV, doanh thu của công ty đạt 2.228 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 21 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 31% so với cùng kỳ.
Tuân Nguyễn
Saigon Petro vừa bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu, nắm giữ thị phần bao nhiêu?
Trong số 5 doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu thì Saigon Petro có hệ thống phân phối xăng dầu rất rộng từ các tỉnh Nam Trung Bộ đến các tỉnh miền Tây.