Doanh nghiệp Việt hưởng lợi nhờ hợp đồng điện tử
Hội thảo trực tuyến “Hợp đồng điện tử ký kết với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp FDI” vừa được Công ty Hệ thống thông tin FPT FPT IS) tổ chức ngày 26/12 nhằm tháo gỡ nhiều vướng mắc khi sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch quốc tế cho doanh nghiệp.
Ông Trương Minh Phát, Trưởng Phòng Thu mua tổng hợp Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện ứng dụng hợp đồng điện tử tại doanh nghiệp mình.
Nằm trong Top đầu của lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại và thực phẩm, C.P Việt Nam không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, tuy nhiên, quá trình triển khai hợp đồng điện tử được tiến hành chậm hơn nhiều đơn vị khác.
“Với đặc thù chương trình nội bộ có nhiều lĩnh vực muốn triển khai dưới dạng tích hợp nên quá trình triển khai vừa lâu vừa khó. Ý tưởng sử dụng hóa đơn điện tử có từ tháng 9/2021 nhưng tới tháng 11/2022, tức là sau hơn 1 năm mới được đưa vào thực tế. Hành trình của chúng tôi bắt đầu khá gian truân. Chúng tôi phải rất thận trọng, mất khá nhiều thời gian đi hỏi cơ quan thuế, rồi nghiên cứu thật kỹ cơ sở pháp lý để thuyết phục lãnh đạo”, ông Phát kể.
Và rồi chỉ sau một thời gian ngắn, C.P Việt Nam đã thu được những lợi ích từ hợp đồng điện tử. “Trước đây công đoạn ký chứng từ, hợp đồng tốn nhiều thời gian, nhanh nhất cũng phải 20 ngày mới ký xong 1 hợp đồng. Hiện Phòng Thu mua tổng hợp của chúng tôi đang áp dụng hóa đơn điện tử với hầu hết các loại hợp đồng của các đối tác trong nước, thời gian ký chỉ 10 phút thay vì 20 ngày. Trung bình mỗi năm chúng tôi có khoảng 5.00 hợp đồng về thu mua, hiện đang ký hợp đồng điện tử với 85% nhà cung cấp trong nước. Trong tương lai, hợp đồng với các mảng kinh doanh khác của C.P Việt Nam cũng sẽ áp dụng hóa đơn điện tử, ước tính số lượng khoảng 20 – 30 nghìn hợp đồng/năm. Cơ sở pháp lý đã chín muồi, năm 2023, chúng tôi sẽ chuyển sang ký hợp đồng điện tử với 100% hợp đồng ký kết với các đối tác”, ông Phát cung cấp thêm thông tin.
Sau một thời gian FPT IS triển khai kết nối hàng trăm nghìn doanh nghiệp trên nền tảng hóa đơn điện tử eContract (hiện đã có hơn 1,5 triệu giao dịch, hơn 4 triệu lượt ký điện tử), ông Lê Thanh Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ điện tử của FPT IS nhận thấy nhiều doanh nghiệp có khả năng chuyển đổi số nhanh, nhưng khi triển khai hợp đồng điện tử không phải lúc nào cũng suôn sẻ, mà vẫn có những vướng mắc riêng.
Sự đa dạng hình thức ký số (chữ ký số do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, do các đơn vị chuyên dùng tự cấp, hoặc chữ ký số của nước ngoài) khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng, không biết chữ ký mình dùng có hợp pháp, hợp lệ không. Nhu cầu bảo mật, toàn vẹn dữ liệu cũng đang là nỗi lo nhức nhối của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp còn băn khoăn về việc làm sao để nhiều năm sau mở hợp đồng điện tử ra vẫn kiểm tra được xem hợp đồng có hiệu lực không, dữ liệu có bị thay đổi so với thời điểm ký hay không…
“Phần lớn doanh nghiệp FDI sử dụng công cụ chữ ký số của nước ngoài, chi phí cao, không có hỗ trợ sử dụng khi có vướng mắc trong quá trình vận hành, và đặc biệt, nền tảng ký chưa được cấp phép tại Việt Nam, nếu có tranh chấp, phần thiệt sẽ về doanh nghiệp Việt Nam”, ông Bắc nhấn mạnh.
Đề cập tới câu chuyện hành lang pháp lý về ký kết hợp đồng thương mại điện tử giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: Bộ Công Thương đang phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông trình Quốc hội phê duyệt Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, trong đó có nhiều quy định bổ sung, giúp doanh nghiệp thực hiện hợp đồng điện tử thuận lợi hơn, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cân bằng hơn khi ký kết hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài.
“Cuối năm 2020 đầu năm 2021, 63 tỉnh/thành phố đã ban hành quy trình về phát triển kinh tế số, thương mại điện tử gắn với mục tiêu triển khai hợp đồng điện tử. Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ có 80% doanh nghiệp ứng dụng hợp đồng điện tử, và năm 2030 đạt tỷ lệ 100%. Thị trường hợp đồng điện tử an toàn dự đoán phát triển nhanh nhất thế giới trong giai đoạn từ nay đến năm 2026. Và Việt Nam được dự đoán là thị trường có khả năng ứng dụng hóa đơn điện tử an toàn trong thị trường tài chính với tốc độ nhanh nhất khu vực”, ông Lê Đức Anh thông tin thêm.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Bộ Công Thương đang cùng AmCham và 1 số tổ chức nước ngoài thử nghiệm mô hình hợp đồng điện tử xuyên biên giới, hướng tới thúc đẩy xuất khẩu và hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ngọc Mai