Doanh nghiệp địa ốc trước nỗi lo thời “bình thường mới”
Chỉ vừa tái khởi động hoạt động kinh doanh sau thời gian dài giãn cách, các doanh nghiệp bất động sản - xây dựng phía Nam lại đứng trước nỗi lo hạn chế di chuyển khi dịch bệnh có dấu hiệu nóng lên ở nhiều địa phương.
Địa phương siết đi lại
Cuối tuần qua, anh Trần Văn Phúc, một nhà đầu tư bất động sản tại Bình Dương xuất phát từ TP. Thủ Dầu Một di chuyển bằng ô tô riêng lên tỉnh Bình Phước để xử lý công việc và công chứng giấy tờ 2 lô đất mới mua trong tháng 9 vừa qua. Thế nhưng, vừa tới chốt kiểm soát dịch tại Quốc lộ 13, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành (Bình Phước), anh không khỏi ngao ngán khi thấy cảnh kẹt xe kéo dài, người dân chen chúc đợi lấy tờ khai y tế…
Theo anh Phúc, để đi qua chốt kiểm dịch vào địa bàn tỉnh Bình Phước, lực lượng chức năng ở đây yêu cầu người dân khai báo y tế điện tử, quét mã QR, nhưng lực lượng chốt kiểm dịch vẫn yêu cầu người dân phải có tờ khai y tế bản cứng.
“Chính vì điều này nên xảy ra tình trạng xe ô tô, xe máy xếp hàng dài, người dân chen nhau đợi lấy giấy tờ. Để lấy được tờ khai y tế từ chốt kiểm soát dịch, tôi phải xếp hàng tới hơn 3 tiếng đồng hồ”, anh Phúc kể.
Tương tự, chị Thảo, phụ trách marketing của một doanh nghiệp có dự án tại Bình Phước cho biết, do trụ sở Công ty đặt tại TP.HCM nên việc di chuyển, đưa đón khách tới tham quan dự án mất nhiều thời gian, khi quy định mới về phòng, chống dịch yêu cầu người đến, về từ vùng dịch cấp độ 2, 3 thuộc TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An phải xuất trình giấy chứng nhận âm tính còn hiệu lực trong 72 giờ tại cửa ngõ vào tỉnh.
“Ngoài việc di chuyển liên tục, quá trình làm thủ tục, công chứng hồ sơ giấy tờ cũng mất nhiều thời gian, bởi ngoài ‘thẻ xanh Covid’ và giấy xác nhận âm tính thì người đi công chứng còn phải có giấy thông báo xác nhận cấp độ dịch của địa phương theo địa chỉ trong sổ hộ khẩu hoặc nơi tạm trú”, chị Thảo chia sẻ, đồng thời cho biết thêm, ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại thị xã Phước Long, huyện Chơn Thành và TP. Đồng Xoài đã phải dừng phục vụ tại chỗ, chỉ được phép bán mang về…, điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản khi tổ chức bán hàng tại dự án bởi không tìm được nơi ăn nghỉ cho khách hàng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Bình Phước (CDC Bình Phước) cho biết, địa phương phải siết chặt kiểm soát là do số ca nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh.
“Khoảng 1 tuần trở lại đây, số ca mắc Covid-1 tại Bình Phước có xu hướng tăng nhanh, tập trung chủ yếu từ những người đi về từ các địa phương lân cận như TP.HCM và Bình Dương. Do vậy, địa phương phải siết chặt công tác kiểm soát để phòng chống dịch”, ông Sáu nói.
Trên thực tế, không chỉ tại Bình Phước, trước tình hình dịch Covid-19 nóng trở lại ở khu vực miền Tây, nhiều địa phương đã kích hoạt các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ, cho nên việc đi lại của người dân địa phương cũng như từ nơi khách đến được kiểm tra gắt gao hơn.
Đơn cử, tại Hậu Giang, các địa phương trong tỉnh đã thiết lập lại các chốt để kiểm soát người và phương tiện, đồng thời tăng cường triển khai các biện pháp giám sát, theo dõi người ra, vào địa bàn, hạn chế tập trung đông người…
Tương tự, Bạc Liêu đã nâng cấp độ dịch toàn tỉnh từ cấp 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình) lên cấp 4 (vùng đỏ, nguy cơ rất cao). Theo đó, việc đi lại nội tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, chỉ những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin hoặc người nhiễm Covid đã khỏi mới được phép di chuyển…
Ảnh: Việt Dũng |
Doanh nghiệp địa ốc lại gặp khó
Khó khăn trong việc đi lại là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản có dự án tại các tỉnh lân cận TP.HCM lo lắng, bởi nếu lại phải hạn chế đông người hay không thể đưa khách hàng trực tiếp tham quan dự án sẽ ảnh hưởng tới công tác bán hàng dịp cao điểm cuối năm - thời điểm các doanh nghiệp đều đặt kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu lớn.
Đơn cử, tại Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding, từ giữa tháng 9/2021, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch mở bán giai đoạn mới tại một dự án ở Bình Phước và để công tác bán hàng diễn ra thuận lợi, Công ty đã cho hầu hết nhân viên tiêm đủ 2 mũi vắc-xin để có “thẻ xanh” đi lại theo yêu cầu trước đó của địa phương.
“Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn mở cửa, mới đây, tỉnh Bình Phước siết chặt trở lại việc đi lại do số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, điều này khiến việc mở cửa kinh doanh gặp nhiều khó khăn hơn”, đại diện Asian Holding lo lắng nói.
Tương tự, một doanh nghiệp lớn có trụ sở tại tỉnh Long An, hiện đang phát triển 2 dự án lớn ở Hậu Giang cũng đang đối mặt với không ít trở ngại trong triển khai mở bán sản phẩm những tháng cuối năm này, khi chính quyền địa phương kiểm soát gắt gao việc di chuyển trong địa bàn để phòng chống dịch. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, với đặc thù của ngành kinh doanh bất động sản là phải đưa khách hàng trực tiếp tới xem dự án thì mới bán được hàng, nếu việc lưu thông, di chuyển gặp khó khăn do yếu tố bất khả kháng như dịch bệnh Covid-19 thì doanh nghiệp cũng chẳng thể làm gì hơn.
“Vẫn biết việc phòng chống dịch cần phải được đặt lên hàng đầu, nhưng điều này cũng ảnh hưởng rất lớn, vì với sản phẩm bất động sản, việc chốt giao dịch trên môi trường online là rất khó, khách hàng đều muốn trực tiếp tham quan dự án thì mới xuống tiền”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.
Không chỉ với các chủ đầu tư, mà các nhà thầu xây dựng cũng đang “đứng ngồi không yên” khi nhiều công trình vừa triển khai xây dựng trở lại không lâu đã đứng trước nguy cơ tạm dừng vì dịch, bởi vì chỉ chậm bàn giao, nghiệm thu hợp đồng một ngày là thêm một gánh nặng với đồng lương trả cho cán bộ, công nhân viên. Chưa kể, giá nguyên vật liệu xây dựng cũng đang “nhảy múa” từng ngày, nếu thời gian thi công càng kéo dài thì nhà thầu càng gặp khó.
“Với những công trình chưa triển khai thì nhà thầu có thể ngồi lại với chủ đầu tư để thương thảo, còn những công trình đang trong quá trình xây dựng thì sẽ rất khó”, ông Nguyễn Lĩnh Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng Center nhấn mạnh.
Bị hạn chế di chuyển, không được tụ tập đông người là mối lo thường trực của các doanh nghiệp bất động sản nói chung, doanh nghiệp môi giới địa ốc nói riêng kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Trong gần 2 năm qua, dưới tác động của bệnh dịch, hầu hết doanh nghiệp môi giới bất động sản đã “kiệt sức” khi phải gồng gánh đủ loại chi phí mà không có nguồn thu.
Nói như bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp bất động sản đã vượt quá giới hạn, nên cấp thiết cần thêm nhiều trợ lực thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách, cũng như các gói hỗ trợ tài chính để có thể tiếp tục chống chọi với những gian nan ở phía trước khi dịch bệnh chưa qua đi.
Thế nhưng, trao đổi với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản về tình hình hoạt động kinh doanh thời gian qua, đại đa số cho biết, họ có cảm giác “tủi thân” khi dường như bị đứng ngoài cuộc trong các giải pháp hỗ trợ chung, trong đó một phần nguyên nhân xuất phát từ quan niệm bất động sản không phải ngành sản xuất - kinh doanh trọng yếu, trong khi đây là ngành tác động dây chuyền rất lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Loạt dự án bất động sản cam kết lợi nhuận ‘khủng’, gấp 2-5 lần lãi gửi ngân hàng
Trong khi lãi suất gửi tiền tại ngân hàng cao nhất chưa đến 6%/năm thì nhiều dự án bất động sản lại tung chính sách cam kết mức lợi nhuận ‘khủng’ lên đến 25%... Liệu đây có phải là ‘miếng bánh’ ngon cho nhà đầu tư?
Theo đtck.vn